Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

đừng trách của Đặng Bá Tiến

Đừng trách của Đặng Bá Tiến Đặng Bá
ĐỪNG TRÁCH…
Em đừng trách cỏ dây
Bên triền đê xanh mướt
Sao ngày xưa không biết
Trói hai người một đôi
Em đừng trách đường đời
Sao lối đi trăm ngả
Chớp mi nhìn gót lạ
Cả một thời lạc nhau
Trách chi dòng sông sâu
Trách chi cầu không bắc
Trách chi sen phai sắc
Khi thu sang lá vàng…
Còn một chút mơ màng
Chút xuyến xao thương nhớ
Hãy thành bông hoa nở
Tặng nhau khi Xuân về!
BMT 8.1.2015
Mới đây tôi đọc trên facebook bài thơ "Đừng trách ..." của nhà thơ Đặng Bá Tiến, tôi đã bị cuốn hút theo bởi dư âm của nó. Trước đây người ta thường biết đến Đặng Bá Tiến qua các bức ảnh, các bài báo mang tính thời sự nóng bỏng trên các mặt báo. Nhưng gần đây bạn đọc được biết một Đặng Bá Tiến khác- đó là nhà thơ Đặng Bá Tiến, ông mới được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam, thơ ông dày dạn cảm xúc, chắc chắn về cách dùng từ, đầy đặn về cấu tứ, không đong đưa bóng bẩy, nhưng đầy gợi cảm . "Tôi thấy nhiều người cảm nhận thơ đa phần là : đoạn thơ này, hay câu thơ, thậm chí bài thơ ấy nói về cảnh đẹp, nói về tình yêu đôi lứa...đại loại như thế, đó là sự cảm nhận chung chung, thiếu trách nhiệm. Mà theo tôi nên cảm nhận cái bút pháp mà nhà thơ đã sử dụng, cái tinh thần của bài thơ, cái giọng điệu và sự hàm ý trong bài thơ".
Nhà thơ Đặng Bá Tiến là người thâm trầm, kiệm lời. Điều này hiển hiện rõ trong thơ ông. Bài "Đừng trách" là thể thơ năm chữ, với 16 câu mà "nỗi đau khổ thành bông hoa nở-trổ bông"(chữ của người viết) đã ám ảnh người đọc rất lâu . Chỉ là những lời trách móc cỏ cây, hay trách cứ đường đời ấy, lý do đơn giản vậy thôi, mà không phải vậy :
Em đừng trách cỏ dây
Bên triền đê xanh mướt
Sao ngày xưa không biết
Trói hai người một đôi
Em đừng trách đường đời
Sao lối đi trăm ngả
Chớp mi nhìn gót lạ
Cả một thời lạc nhau/
Đặng Bá Tiến đẩy hai từ "đừng trách" của cỏ dây, của đường đời, khiến người đọc thở dài. Hơn cả nỗi buồn:
Sao lối đi trăm ngả
Chớp mi nhìn gót lạ
Cả một thời lạc nhau/
Rõ ràng ở đây ta thấy lời trách chỉ là cái cớ khi người thơ nhìn cảnh vật trong một tâm trạng nuối tiếc cho sự mất mát về phương diện trạng thái tâm hồn. Nhưng sự trách cứ lặng lẽ ấy là vì khổ đau, vì tình yêu, thì sự hao khuyết này đáng nghĩ ngợi. Phải là người sâu sắc mới nghĩ chứ sống nông cạn thì khó nghĩ lắm thay.
Giả thiết người yêu đi lấy chồng cũng không phải là chủ đề mới trong tình yêu, trong mối tình đầu. Rồi thời gian sẽ giúp con người ta xóa nhòa đi, êm dịu đi những dằn vặt cộm lên tháng ngày:
Trách chi dòng sông sâu
Trách chi cầu không bắc
Trách chi sen phai sắc
Khi thu sang lá vàng…
Còn một chút mơ màng
Chút xuyến xao thương nhớ
Hãy thành bông hoa nở
Tặng nhau khi Xuân về!
Người đọc ngạc nhiên quá, vì Đặng Bá Tiến thi sĩ quá. Không thi sĩ sao cảm được, sao viết được nỗi đau khổ thành "Chút xuyến xao thương nhớ/ Hãy thành bông hoa nở/ Tặng nhau khi xuân về!". Dù hoa sen phai sắc, hay hoa gì đi nữa cũng gợi cho ta một nỗi buồn man mác. Hương thơm phai nhạt đi. Nhưng "Chút xuyến xao thương nhớ/ Hãy thành bông hoa nở/" thì hiếm gặp. Đó là sự đau khổ từ từ không vội vã, nhấm nháp nỗi đau không dễ, để đau khổ nở hoa và tặng nhau khi mùa xuân về, thì đau khổ thành bông hoa nở kia có mấy người thấu được?
"Đừng trách..." là bài thơ tình thăng hoa của Đặng Bá Tiến viết về người yêu. Mặc dù có một số người chưa thỏa mãn về vần điệu của bài thơ, và cả cấu tứ có phần"rối rắm"của bài thơ. Nhưng theo tôi, Đặng Bá Tiến có cái nhìn riêng biệt về cuộc đời, do vậy ông có một giọng điệu riêng. Ở đây ông làm thơ không phải để chia sẻ nỗi đau, mà để đau khổ nở thành bông hoa, khiến cho bài thơ như một cái cây đau khổ đứng riêng một góc trời, không thể nhầm lẫn vào những cái đau khổ khác mà chúng ta bắt gặp hàng ngày.
Xin cứ để cây đau khổ thành bông hoa nở khi gấp lại bài thơ tình của Đặng Bá Tiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét