Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Đĩ "tiếp thị". Truyện ngắn của Mai Trang.

Đĩ "tiếp thị".
Truyện ngắn của Mai Trang.
Hắn là một nghệ sĩ, hắn tự phong cho mình như vậy chứ có ai công nhận đâu. Từ thuở học sinh cấp hai hắn đã yêu văn chương đến lạ. Mà trong cái thời buổi kinh tế thị trường này, đầu óc cứ lơ lửng trên mây như hắn người ta gọi là đồ hâm.
Nhiều khi cơm áo gạo tiền đã làm cho hắn bức bối, đôi khi muốn từ bỏ tất cả những ước mơ cháy bỏng để đi theo tiếng gọi của đồng tiền, nhưng cái chất nghệ sĩ luôn trỗi dậy làm cho hắn gục ngã. Hắn luôn muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh của thực tại, dù gặp bất cứ trở ngại nào, hắn đều suy nghĩ theo chiều hướng tích cực để tự động viên, an ủi mình.
Trời mưa! Hắn tạt vào một quán nước bên đường Lê Thị Hồng Gấm nhâm nhi ly rượu suông để tăng thêm "nhiệt lượng " trong người. Bỗng có mùi nước hoa sực nức xộc
ngang mũi, gay nồng. Hắn ngẩng đầu lên, một ả mặt hoa da phấn đã ngồi sát bên hắn
từ lúc nào, chiếc Dream dựng bên cạnh. Ả gọi một bao thuốc ba số 555 và một ly rượu rum, rồi mở túi lấy cái gương con, ngắm nghía, tô lại đôi môi mọng đỏ:
- Mẹ kiếp! Mưa quá, mưa đến thối cả đất thế này thì còn làm ăn gì được?
Ả cầm ly rượu lên, vừa nhâm nhi vừa đánh xéo đôi mắt về phía hắn:
- Hắn lẩm bẩm: "Nhìn cũng xinh đấy". Hắn vừa thầm khen ả, thì bàn chân ả đã day day lên chân hắn.
- Vui vẻ tí không ông anh? - Ả mỉm cười- điệu cười quyến rũ.
- Trời mưa buồn thúi ruột, chứ vui vẻ cái nỗi gì?
- Hí...hí...hí...rõ chán cho ông anh. Trông trắng trẻo thông minh thế mà chậm hiểu. Vui
vẻ...là tươi mát chứ còn gì nữa?
- Vậy ra cô là...
- Là điếm! Là con điếm, là con đĩ tiếp thị hiểu chưa? Hết tò mò chưa?
Điếm "tiếp thị"? Hắn ngẩn mặt một hồi lâu. Danh từ "điếm " thì chả ai còn lạ gì, nhưng gắn thêm vào nó hai từ "tiếp thị" thì quả là một nghề mới đây?
- Ông anh ngạc nhiên lắm à? Thời buổi mở cửa của cơ chế thị trường, thì phải...năng động chứ. Nếu cứ nằm bẹp ở mấy quán cà phê đèn mờ, cà phê vườn, quán bia, hiệu cắt tóc nghệ thuật,...mà đợi các "thượng đế " rước đi thì có mà ăn cám. Phải đem "hàng" đến tận nơi mà "phục vụ" hiểu chưa? Sao ? Ông anh có thưởng thức một "dù" cho nó ấm áp tình đời không?
Thấy hắn lắc đầu, ả đứng dậy ngúng nguẩy bước ra xe.
Bà chủ quán đứng lên ngoái cổ ra ngoài cửa gọi với:
- Cô tính tiền đi chứ?
- À! Có ông anh đây thanh toán dùm...hí...hí...Rồi ả lao xe đi hòa vào dòng người tấp nập ngoài phố kia...
Tuy mất đứt hơn một trăm nghìn đồng, nhưng hắn không ân hận vì vừa phát hiện ra một cách làm ăn mới của cái xã hội mại dâm, mà hắn mới chỉ thấy phê phán trên truyền hình. Điếm thì bao giờ chả là điếm. Chỉ có điều đứng đón khách mãi ở vỉa hè, công viên hay các quán trá hình mãi cũng nhàm, lại bị cả dân làng chơi lẫn công an quen mặt, nên các ả đã nảy ra sáng kiến dùng xe máy tay ga loại xịn lượn lờ khắp hang cùng ngõ cụt để kiếm khách. Bất kể nơi nào, hễ quan sát thấy "con mồi" có thể làm ăn được là lân la bắt chuyện, tán tỉnh gạ gẫm. Làm thế có rất nhiều cái lợi. Thứ nhất là được đồng nào ăn đồng ấy, khỏi phải chia chác cho bọn "ma cô cò mồi", nhiều lúc đã vòi tiền rồi mà còn chơi quỵt. Thứ hai là chúng không bị các chủ chứa ăn chặn. Thường số tiền ăn chặn của các chủ chứa là một nửa số tiền mà gái kiếm được trên một lần chơi. Thứ ba là chúng tạo cho khách chơi không có cảm giác chúng là điếm, mà như là "tự nhiên bắt được của lạ". Cái vỏ ngoài này quan trọng lắm, đã làm cho không ít quý ông mắc bẫy. Ông Vệ, giám đốc của cơ quan hắn là một ví dụ. Ông có hai cửa hàng bán phụ tùng xe máy lớn nhất ở cái thành phố này. Một lần làm quen với một ả gọi là vào hàng "hót girl". Ả cho ông số điện thoại và số nhà để ông mò đến. Trong nhà ả có thờ ảnh một người đàn ông, và có một đứa trẻ bốn tháng tuổi đang nằm trên võng mà ả gọi là con. Ả tâm sự : "Em có hai cháu, cháu lớn đang ở nhà bà nội, còn cháu nhỏ vừa sinh được một tháng thì nhà em mất". Cuộc tình bắt đầu từ những câu chuyện thương tâm, động lòng trắc ẩn như vậy, khiến cho ông giám đốc càng cảm kích và tò mò. Ông không thể cưỡng lại được trong những lần gặp ...Ả chống lại khi ông sáp lại gần. Một cuộc chống cự ngọt ngào, đủ để ông già cảm thấy mình đang còn sung sức chiếm đoạt một góa phụ kém mình ba mươi tuổi. "Đừng thế anh ơi. Đừng như vậy...anh đừng làm em phải thất tiết với chồng", và sau vài tuần đi lại, sau khi đã vét sạch số tiền của ông già ngang bằng với hai chiếc xe ô tô đời mới , ả đã biến mất. Lúc đó, ông giám đốc mới ngã ngửa ra là mình đã bị lừa.... Từ căn căn nhà, bức ảnh đến đứa trẻ...đều của đi thuê.
Một mánh khóe nữa mà hắn phát hiện ra trên các tuyến phố đông dân cư, đó là: các ả ăn mặc những kiểu quần áo từ chất liệu thun mỏng bó sát người "trên cao, dưới ngắn ", hết sức moden , rồi mò vào tận nhà vờ vĩnh hỏi mua cái này cái nọ, hoặc bán cái này cái kia. Loại này thường rất táo tợ. Đối tượng chúng chọn là những ông tuổi xồn xồn, có máu "ham của lạ" , nhưng lại sợ vợ. Chọn lúc các bà vợ không có nhà, thì chúng đến. Hắn đã được nghe ả Thanh Trúc chẳng dấu diếm gì kể toang toác cho nghe cái lần ả trúng quả đậm: Lần đó ả đóng vai một người đi bán thực phẩm chức năng của một công ty của Mĩ, ả lần đến nhà anh B. trên đường Trần Phú. Vừa vào đến nhà, ngó trước ngó sau không có chị vợ ở nhà, ả giả vờ vấp ngã, loạng choạng bấu víu lấy anh chủ. Không bỏ lỡ cơ hội, anh chủ dang tay đỡ lấy ả, bế vào phòng "xoa dầu...". Hành sự xong, ả đòi hai mươi triệu đồng, lúc ấy anh mới ngã ngửa. Lời qua tiếng lại , anh vứt cho ả một triệu đồng. Không nói một lời nào, ả để nguyên thân hình lõa lồ của mình tru tréo lên, rằng ả đã bị anh hãm hiếp...Hoảng quá và lại sợ hàng xóm nghe thấy thì ê mặt. Không làm sao được, chỉ còn mười phút nữa là đứa con gái lớn đi học về, anh đành ngậm bồ hòn làm ngọt, đưa cho ả số tiền lương mà hai vợ chồng anh tích cóp mấy tháng trời .
"Điếm tiếp thị" cũng chia làm ba hạng: thượng lưu, trung lưu và bình dân. Loại trung lưu thường là những ả bị thất tình, bị phụ tình, hay là những cô nương con nhà giàu đua đòi ăn chơi lêu lổng, dạng này nhan sắc vào loại "nghiêng nước, nghiêng trời", nhưng mục tiêu của các ả không phải là kiếm tiền, mà là để giải sầu là chính. Còn loại bình dân là loại kém nhan sắc vừa già, hành trang nghề nghiệp của các ả thường chỉ có chiếc xe đạp cà tàng, cái túi xách con đựng tấm ni lông, khăn mặt, gương lược và chút son phấn rẻ tiền. Nơi chúng mò đến thường những khu tập thể, các xóm lao động nghèo, bến xe khách, xó chợ... Thu nhập của loại này không nhiều, không ổn định. Gặp khách thì chơi, không gặp khách thì biến thành đạo chích.
Trái lại, điếm cao cấp là loại có học thức cao, trẻ đẹp, đi xe máy loại xịn. Đối tượng chúng nhằm đến là những ông cán bộ bụng bự, những thương gia, những khách nước ngoài hay chí ít cũng là những ông chủ trang trại ...Cùng lắm là những công tử con nhà giàu. Thủ đoạn của bọn chúng cũng rất "siêu tinh vi". Ông L.TH.C giám đốc công ty K. Một buổi tối buồn tình bảo lái xe đánh chiếc Kia K3 đưa ông đi lòng vòng, gặp một cô gái áo vét váy ngắn màu kem sữa, đứng e ấp bên đường như ý muốn đi nhờ, ông liền mời nàng lên trò chuyện. Nàng cho ông biết mình là sinh viên quản trị Kinh doanh mới ra trường và đang làm hợp đồng ở công ty D. Sắc đẹp mê hồn của nàng đã làm ông ngây ngất. Ông mời nàng về làm "thư kí riêng" cho mình. Mấy ngày sau nàng đến, ông bảo phải qua một kỳ "thi tuyển" cho nó có khách quan.
- Có nhiều người dự thi không anh?
- Có 5 thành viên trong ban giám đốc.
Rồi cuộc thi tuyển cũng diễn ra như dự định. Mọi người đều thán phục giám đốc khéo chọn được một cô thư kí vừa đẹp người lại giỏi về chuyên môn. Những lời thán phục đó lại càng làm cho ông mê mẩn. Từ ngày ấy nàng trở thành người giữ chìa khóa cái tủ riêng ở cơ quan của ông. Bỗng một hôm, bạn ông một thương gia có tiếng ở TP. đến chơi. Hôm ấy ông đi công tác ở bên Lâm Đồng. Vừa trông thấy ông "thương gia " kia, ả thư kí tái mặt, ông "thương gia" cũng tái mặt, vội vã ra về. Hôm sau ông L.TH.C. về, nhận được điện thoại của bạn"Anh đuổi ngay con thư kí. Nó là con lừa đảo, nó vét của tôi 60 ngàn đô mà tôi đành ngậm đắng nuốt cay".
Ông bỏ máy, hấp tấp chạy sang phòng bên. Nàng không có ở đó. Gọi điện cho chánh văn phòng lên, thì được trả lời.
- Chiều hôm qua cô ấy nói anh gọi điện về nói cô ấy qua Lâm Đồng gấp. Chân tay rụng rời. Mồ hôi hột vã ra đầy mặt, ông mở cái tủ riêng mọi ngày vẫn giao cho cô ấy giữ chìa khóa...Thế là 30 cây vàng cùng 500 triệu đồng tiền mặt đã cùng cô "thư kí riêng" cao chạy xa bay...
Chao ôi! Cơ chế thị trường đã sinh ra những nghề năng động "tiếp thị siêu tinh vi"...thế này.
(còn nữa)

KẾT NỐI YÊU THƯƠNG

Về lại chốn xưa
Krông Păc- tên cái buôn nhỏ thân thương cứ da diết theo anh trên những bước đường hành quân trong suốt những năm tháng đánh Mĩ. Lúc nào anh cũng mong có ngày được trở về cái buôn nhỏ bên dòng sông Krông Păc yêu thương.
ChIẾN TRANH. Một trò chơi nguy hiểm của con người. Chính vì lẽ đó đã khiến anh lưu lạc nơi đất khách quê người. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa trên quê hương anh đã hơn bốn mươi năm rồi. Bốn mươi năm là một khoảng thời gian quá dài so với một đời người. Kí ức về tuổi thơ nơi buôn Krông Păc yêu dấu luôn là động lực để anh vượt qua bao sóng gió cuộc đời. Nhưng tại sao đến bây giờ anh mới trở về buôn cũ? Đó là một lời thắc mắc, là câu hỏi, hãy cũng là nỗi đau mà bấy lâu nay anh vẫn phải gồng mình gánh chịu. Sự thật bao giờ cũng nghiệt ngã, bao giờ cũng thách đố lòng kiên nhẫn của con người. Bốn mươi năm qua anh có cười được đau khi đau đáu một lối về còn mờ xa hun hút...Cho dù đã đi qua cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây là một nhiệm vụ vinh quang và cũng là một việc làm bình thường của bất cứ anh trai làng nào của đất nước Việt Nam khi đất nước có tranh. Mà chính anh là người đã đi qua, là nhân chứng sống. Bốn mươi năm lưu lạc trên đất người anh nào có giây phút được bình yên. Cõi lòng anh đang rỉ máu , đang cào buốt, cào buốt đến khôn cùng.Ở tận cùng của nỗi đau khi cuộc chiến tranh đã đi qua.
Bây giờ anh đã trở về đây, trên con đường này, trên đôi nạng gỗ, lê từng bước, từng bước chân nặng nhọc đu người lên con dốc Chư Quynh tìm cây Kơ nia ngày xưa bây giờ chỉ còn trơ lại gốc. Bọn trẻ con trong buôn thấy người đàn ông lạ, da sạm đen, trên khuôn mặt chi chít những vết sẹo dọc ngang, lưng đeo ba lô con cóc đã sờn, tập tễnh leo lên con dốc một cách nặng nhọc thì chúng thấy lạ và tò mò chạy theo sau. Bọn trẻ con không biết anh là người con của cái buôn này. Chúng chỉ nghe loáng thoáng người già kể lại, trước đây ở buôn Krông Păc có một chàng trai khỏe mạnh vật ngã cả trâu rừng, đánh chết hổ dữ trong rừng già. Anh hỏi chúng, buôn Krông Păc bây giờ ở đâu? Chúng ngơ ngác nhìn nhau, rồi tất cả đều lắc đầu, chỉ tay và nói: ở đây chỉ có buôn Cam Rưng dưới chân núi Chư Quynh kia chứ không có buôn Krông Păc.
Anh lại đu mình trên đôi nạng gỗ nhấc từng bước chân lên dốc Suối Khỉ, vai áo ướt đẫm mồ hôi.
Trên mảnh đất mà người Êđê đến lập buôn tên Krông Păc giờ đã trở thành con đập Krông Puk Hạ lớn nhất khu vực miền trung và Tây Nguyên mênh mông sóng nước. Những dòng kênh dẫn nước từ đập Krông Puk Hạ vươn xa tưới tiêu cho cả một vùng đồi núi rộng lớn ở Tây Nguyên. Những đồi cà phê, cao su, hồ tiêu xanh mát vươn xa, đan chen vào nhau, cọ xát vào nhau phát ra âm thanh kẽo kẹt như tiếng đưa võng của các A Mí từ các buôn làng xa vọng lại. Người trong buôn Krông Păc đã xuống núi định canh , định cư theo chủ trương của Đảng và Chính phủ từ cái ngày anh đang còn nằm hầm ở chiến trường Hạ Lào.
Đang vẩn vơ bên gốc cây Kơ nia già cụt ngọn, dấu tích của buôn xưa còn sót lại, bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ yêu dấu chợt ùa về. Bất chợt có tiếng gọi từ đằng sau khiến anh giật mình.
Y Khoa ...có nhận ra em không? Nhìn mãi một lúc sau, cố lục tìm trong trí nhớ mà anh vẫn chưa thể nhớ ra tên cô gái. Cô gái che miệng, cúi mặt cười e thẹn.
- Cái bụng em giận rồi đó! Dù đã qua hơn bốn mươi mùa hoa dã quỳ nở rồi, giờ em vẫn còn nhận ra anh. Còn anh thì...
- Em là H' Mai cô bé mồ côi cha, đi chăn bò thuê, hồi còn nhỏ hay chăn bò ở suối Ea Uy , thường được anh che chở mỗi khi bị bọn con trai ở buôn Pan bắt nạt đó mà! Đôi mắt H' Mai bây giờ đen tròn long lanh như mắt con chim Phí, đôi gò má ửng hồng, đôi môi đỏ như cánh hoa Ban , và cái cổ cao, trắng ngần như con chim Công thế kia thì ai còn nhận ra được một H' Mai nhếch nhác, đen đúa thuở nào.
Anh gục đầu, úp mặt vào gốc cây Kơ nia khi nghe kể về A Mí nhớ thương anh mà héo hon dần như tàu lá chuối rừng, rồi về với Yàng khi nghe tin anh đã chết vì bom đạn giặc ở Cánh Đồng Chum bên tận nước Lào xa lắc. Vợ anh cũng bỏ buôn Krông Păc đi lấy chồng ở buôn xa.
H' Mai đỡ anh đứng dậy, gỡ ba lô sau lưng, lấy khăn lau nước mắt rồi dìu anh xuống dốc đi về buôn mới.
Bóng hai người in vào chân núi Chư Quynh mờ mờ ảo ảo. Dưới làn khói sương chiều lảng bảng, hai người nương tựa vào nhau xuống núi đi về buôn mới Cam Rưng. Từng cơn gió rung rung cành lá như cũng reo mừng. Aỏ ảnh của bình minh đang hiện ra mơ hồ.