Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

pbvh-Lê Văn Thiềng: Người đi nhặt chữ "đời"trong -Tiếng vọng thời gian

Lê Văn Thiềng (Hội viên Hội nhà văn VN)- Người đi nhạt chữ "đời" trong-Tiếng vọng thời gian

Mai Khoa Thâu

Tiếng vọng thời gian là tập thơ đầu tay của Lê Văn Thiềng (NXB Mũi Cà Mau,  2000). Xuyên suốt tập thơ là những mảnh đời qua cái nhìn lãng mạn của ông.
Sau mấy chục năm theo đuổi nghiệp văn chương, Lê Văn Thiềng đẫ cho ra mắt 4 tập tiểu thuyết, 3 tập kí. Và đây là tập thơ đầu tay của ông với tên gọi: Tiếng vọng thời gian, với lời bộc bạch đầy thương mến:

"Chẳng dám nhận mình là hành khất
Vẫn đêm ngày tìm nhặt chữ người rơi
Chưa hiểu lẽ cao dày trời đất
Nơi dung thân còn ở chốn xa vời"
Nhặt chữ

Đấy là ông nói thế chứ thật ra tập thơ của ông cũng có nhiều nỗi niềm tâm sự- Nỗi niềm của riêng ông, nhưng lại là nỗi niềm mà ai trong chúng ta cũng ít nhiều gặp phải. Ông giãi bày, ông cần có người cảm thông chia sẻ. Vì vậy thơ Lê Văn Thiềng đầy biểu cảm, nhiều trăn trở suy tư và một nỗi thương người, thương đời sâu sắc. 
Cũng có thể nói đây là một tập thơ tình chứa đầy nỗi lòng suy tư của ông.

"Có lẽ nào khi hoa thơm, trái ngọt
Anh lại thấy lòng chua xót, đắng cay"
Có lẽ nào

Thì ra người khắc khoải, thổn thức niềm thơ ấy có nguyên cớ từ chất liệu của hoài niệm, của kí ức. Đã bao nhiêu biến cải thăng trầm, bao thay đổi của đời người; đến khi có được chút thơm tho ngọt lành thì lại là lúc lòng cảm thấy chua xót đắng cay. Những lúc đắng cay như thế thì ông lại cảm thấy được sống thật với lòng mình hơn. Nó gợi nhớ về một thời xốn xang, tinh khiết lạ. Nói đến chua xót, đắng cay cũng là nói đến tâm hồn, chả thế mà Lê Văn Thiềng viết:

"Ngựa chiến bỗng rùng mình ngã gục
Chàng Héc-To cũng không còn đủ sức
Bởi muôn sợi dây vấn vít quanh mình
Tỏa ra từ ánh mắt nàng
Những sợi dây-ánh mắt"
Tình ca chiến bại

Tôi đoán chắc cứ mười thi sĩ, thì có tới chín trong số đó ít nhất một lần bị "những sợi dây-ánh mắt " kia mê hoặc, rồi mơ mộng, rồi gởi gắm nỗi niềm vào thơ. Nhưng nói như Lê Văn Thiềng lại là một chuyện khác, bởi "những sợi dây-ánh mắt" tỏa sáng, nở bừng huyền diệu ấy đâu phải ai cũng cảm nhận được . Tình yêu bao giờ cũng kì lạ-dù là tình yêu đơn phương, hay tình yêu đơn sơ giản dị nhất. Nói cách khác, tình yêu luôn "báo động" một điều gì đó khác thường:

"Hoàng hôn tím nàng đi về ngõ ấy
Để lại tôi chơ vơ đứng một mình"
Xon nê chiều

Hay những câu thơ xôn xao nhưng không kém thi vị:

"Từ thuở chim ra ràng
Đường làng chưa mở rộng
Hạt giống chưa ủ mộng
Làng chong mắt chờ anh"
Đợi anh về

Ông biết có lúc lơ ngơ dồn cả gánh nặng lên câu thơ:

"Níu lại bàn chân bước
Trái chín đầy trước ngực"
Cà phê Đắc uy

Sự thăng hoa của cảm xúc hay sự báo động của trạng thái tâm hồn trong tình yêu luôn là sợi dây dẫn nhạy cảm nhất đem đến cho lí trí một nhận thức nhất định. Lê Văn Thiềng viết:

"Trăng ở Tây Nguyên trăng rất trong
Là chiêng treo mãi giữa thinh không
Ai khua mà tiếng ngân theo gió
Cho vạn vì sao mắt dõi trông"
Trăng Tây Nguyên

Còn gì đau khổ hơn tình  thế cứ mãi phải treo giữa thinh không, để "cho vạn vì sao mắt dõi trông". Nhưng tình yêu vốn có nhiều cung bậc của nó, có nhiều sắc màu của nó. Đôi khi nó đòi hỏi tất thảy biểu hiện phải ở dạng tinh tế:

"Xa quê mấy năm trở lại
Gặp em giặt áo bên mương
Aó trắng, bắp tay tròn lẳn
Xinh xinh khuôn mặt thân thương
Khẽ  khàng tiếng em thảng thốt
- Ơ anh đã về bao giờ?
Chiếc áo trong tay bỗng tuột
Cầu tre lắc lẻo đung đưa"
Kỉ niệm

Nói như thế nào là "thảng thốt", khiến cho lòng người phải run rẩy trao đảo - ở đây không chỉ là chuyện xúc tác "cần và đủ" cho một phản ứng, mà có lẽ còn là "ngưỡng là độ". Chả thế mà Lê Văn Thiềng ca ngợi tình yêu:

"Vầng trăng vẫn thế
Người đâu không về?
Gió ơi!
 Sao chẳng bay đi?
Đưa tôi
Buộc sợi tóc thề của em
Vằng trăng
Thao thức bao đêm
Mé đồi quê
Mái tóc mềm bay bay
Người đâu
Thương nhớ tháng ngày
Vầng trăng
Ngỡ cũng hao gầy
Lạ chưa..."
Bây giờ mình tôi

Sự mong nhớ lạ lùng làm cho tác giả tương tư, trằn trọc suốt bao đêm. Trăng xưa vẫn thế, người xưa vẫn thế, có đổi thay gì đâu? Mà người đi cứ hun hút xa mờ. Những cảm xúc mạnh mẽ, ào ạt đó cho Lê Văn Thiềng biết một điều kì diệu rằng: Em- người con gái đầu tiên đã làm cho sợi dây tình yêu trong ông ngân lên thành vần, thành điệu. Thúc đẩy ông lóng ngóng, ngượng ngùng trong những lần gặp lại nàng:

"Trái tim tôi trúng thương, quằn quại
Bởi tôi nhằm bắn vào người đàn bà đẹp
                                        nhất thế gian"
Đơn phương

"Người đàn bà " ở đây tuyệt nhiên không phải là một người đàn bà tầm thường, mà là một nữ hoàng của sắc đẹp, nữ hoàng của tình ái- Chính vì vậy mới làm cho tâm hồn của Lê Văn Thiềng run lên đau đớn, quằn quại. Sự quằn quại đau đớn đó chính là ngôn ngữ riêng trong thơ tình của Lê Văn Thiềng. 
Thơ Lê Văn Thiềng giản dị, tưởng chừng không thể giản dị hơn, nhưng không vì thế mà mất đi phần mĩ cảm, phần cảm xúc, từ một tâm hồn nhạy cảm. Tôi có cảm giác cứ sự việc nào dù nhỏ, dù to ông đều có thể viết thành thơ:

"Đường kiếm như chớp giật
Như ánh sao băng
Con như búp măng
Đẹp đến lạ lùng"
Cho con đi học võ

Hoặc những giây phút nâng nâng trong men xuân, ông viết:

"Cả thế kỷ vùng lên đánh giặc
Con nối tiếp cha, cháu nối tiếp ông
Vinh quang thay dân tộc ta có Bác
Có Đảng dẫn đường bẻ gãy xiềng gông
Đảng ta là lương tri, là linh hồn dân tộc
Là tự do, cơm áo, hòa bình
Người với người sống bên nhau hạnh phúc
Rộng mở con đường đi tới quang vinh"
Khai bút đầu xuân

Trong cuộc mưu sinh vất vả, hay những ngày cùng bạn bè dong chơi có những niềm vui và cả những nỗi buồn, Lê Văn Thiềng lại tìm đến thơ-thơ như người bạn đồng hành tri kỉ, mà ở đó ông giải tỏa được những uẩn khúc của chính mình. Ông vịn vào thơ mà lần ra với đời, với mọi người và với bạn bè. Và người đọc lại càng tin vào ông hơn, khi ông vịn vào thơ để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Ông đã gạn lọc niềm vui, chia sớt nỗi buồn, chắt chiu tin yêu để góp với đời một chữ "tâm "trên con đường "nhặt chữ" mà ông hằng tâm niệm.
                                                                                                                                                                        BMT  27-6-2001   
                 Mai Khoa Thâu.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét