Một hôm tình cờ vào thăm trụ sở Hội VHNT của tỉnh, tôi được nhà văn Hồng Chiến tặng tập sách: Bốn mùa thơ- nhiều tác giả- Do Hội VHNT ĐL xuất bản năm 2005, biểu cầm về đọc, có nhiều bài thú vị lắm. Tôi đã đọc ngấu nghiến trong hai ngày hết vèo 166 trang sách, thực tình mà nói đọc thơ như thế thì không khác nào như "cưỡi ngựa xem hoa". Trong tập thơ này tôi thích nhất bài: Đánh dậm của nhà thơ Hữu Chỉnh.
Đây là một tác giả không mấy xa lạ với những người yêu thơ. Đặc biệt hơn, ông là một trong những người sáng lập ra Hội VHNT ĐL. Với ông thơ ca là cái nghiệp, và thơ ca là nơi neo đậu của tâm hồn.
Với quan niệm như thế nên nhà thơ Hữu Chỉnh có những câu thơ rất trong sáng, rất bình dị nhưng ẩn chứa nhiều triết lý về lẽ sống. Chỉ có người có tâm hồn, có tình với nghệ thuật mới viết được những câu thơ như thế. Câu chữ trong thơ ông hiển lộ sự trong sáng, mơ hồ, nghi hoặc, thoảng thốt, đan chen cả những triết lý sâu xa về đạo làm người của Khổng Tử.
Nếu như các nhà thơ hiện đại bây giờ cứ mải mê đi tìm cái lạ trong thơ, để rồi quay lại sau lưng không có độc giả.
( vì độc giả đọc thơ họ nhưng không hiểu họ nói gì cả- thơ là phải có tính quần chúng. Thực sự mà nói tôi dị ứng với cách viết thơ mới hiện nay. Chỉ một số ít người chấp nhận nó, và tung hô cho nó. Hay nói đúng hơn là sự phá hoại nền thơ ca VN. ).
Thì với Hữu Chỉnh ta bắt gặp trong thơ ông những ngôn từ rất trong sáng mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế qua đoạn đầu bài thơ: Đánh dậm.
'' Tuổi thơ
Đi đánh dậm
Buốt giá mùa đông
Nóng bức mùa hè
Dầm nước, dầm bùn
Mong được con cua, con cá
Rạ đồng nướng thơm tiếng ve /"
Mở đầu bài thơ tác giả đã kể cho độc giả nghe về tuổi thơ khó nhọc của mình, gắn liền với ruộng đồng, con cua, con cá, và không quản ngày đông buốt giá hay ngày hè nóng bức để bươn trải với cuộc đời. Lẽ đời vốn giản dị như bao mảnh đời sinh ra từ làng quê Việt Nam. Những câu thơ tâm huyết rút ra từ sự trải nghiệm của đời người.
Lớn lên
Bàn dậm đem sục bốn phương
Tiền tài tong tong theo nước
Đọng lại rong rêu quyền lực
Nghêu ngao vài câu dân ca
Người đọc giật mình. Bàn dậm chỉ là một cái cớ để Hữu Chỉnh chốt về những cái được-mất trong cuộc đời mình. Đó là, tiền bạc, đó là quyền lực, những cái đó chỉ là phù vân. Đừng lầm tưởng những thứ đó làm cho con người ta hạnh phúc. Những cái thật bình thường cũng đủ làm cho con người ta cảm thấy hạnh phúc. Đôi khi chỉ "Nghêu ngao vài câu dân ca", mới ngộ nhận ra rằng đó cũng là cái giá của hạnh phúc. Vâng, cái giá của hạnh phúc không rẻ, cũng không dễ nói.
Về già
Dậm treo trên vách
Con cháu trông thấy bật cười:
Qúa khứ gì cái dậm rách
Vứt ra vườn hoang đi thôi!
Cái dậm là vật vô tri, vô giác. Nhưng chính cái vật vô tri, vô giác ấy lại là một báu vật, nó lưu giữ nhưng kỉ niệm thời thơ ấu của nhà thơ, nó có đời sống riêng trong tiềm thức của nhà thơ. Và vì vậy, cao hơn cả đó là khát vọng sống làm người tử tế ở đời, để thông qua đó nhà thơ muốn gửi gắm một thông điệp cho con cháu, cho độc giả. Đó là: phải biết chân trọng quá khứ. Con người ăn ở với nhau như bát nước đầy, biết nhường cơm sẻ áo cho nhau, lá lành đùm lá rách, mình vì mọi người, hãy sống với tâm hồn cao thượng.
Những lời tâm huyết rút ra từ sự trải nghiệm của một đời người. Phải rồi, những người làm nghề viết thực sự sinh vì nghề, tử vì nghiệp mới thốt ra được những câu thơ như thế.
Ta hãy đọc những câu tiếp theo:
Nhưng kìa lấp lánh sáng ngời
Đáy dậm một viên ngọc quý
Mê mải đi tìm Chân- Thiện- Mỹ
Mấy ai đánh dậm lòng mình!
8-7-2000
Bất cứ nhà thơ nào cũng vậy. Làm sao nhà thơ sống nổi bằng chút tiền còm nhuận bút thơ, nên cuộc đời đâu có giàu sang gì. Và gia tài để lại cho đời là tiếng thơm về nhân cách làm người.Để lại cho người đời một câu hỏi lớn :"Mấy ai đánh dậm lòng mình!", về cái giá của hạnh phúc, của sự yêu thương giữa con người với con người. Trong một xã hội tràn ngập hơi hám của đồng tiền, thì con đường đi tìm Chân- Thiện -Mỹ là tài sản vô giá.
Người đọc tùy theo cảm nhận, thấy thơ hay mà không giải thích. Chỉ thấy hay mà nhớ, mà thuộc, mà đọc cho nhau nghe.
Với tôi đây là một bài thơ hay, thơ hay không nhất thiết phải trau chuốt về câu chữ, về sự gieo vần, hay chỉnh chu về cấu tứ. Mà thơ hay phải bộc lộ được tâm thế của người viết, phải hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, mang tính nhân văn cao cả, đặc biệt là đọc lên là có thể hiểu được dụng ý của tác giả, để từ đó thông qua tác phẩm mà ngẫm nghĩ chuyện đời. Có như thế mới được gọi là thơ hay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét