Người rừng
Truyện ngắn của Mai Khoa Thâu
Hắn đã rời xa quê đến mảnh đất này sinh sống nghe đâu dễ chừng cũng đã hơn bốn mươi năm. Bốn mươi năm là một khoảng thời gian quá dài so với một đời người. Hắn ở đâu đến đây không ai biết, chỉ biết từ khi mọi người đến vùng đất kinh tế mới này đã thấy hắn rồi.
Hắn tên gì cũng không ai hay. Mới đầu người ta còn tò mò, hay để ý, nhưng sau rồi dần cũng quen với sự hiện hữu của hắn. Rồi thời gian trôi đi cái tên Người rừng đã trở thành quen thuộc với với cuộc sống của bà con xóm núi này.
Trời Tây Nguyên vào những ngày tháng chín mưa tầm tã, mưa xối xả, như xoáy vào lòng người đầy tâm trạng. Nhất là những người mới đến đây lần đầu như tôi, cứ thấy bồi hồi không thể nào ngủ được.
Nửa đêm. Chợt tỉnh giấc. Nghe tiếng mưa rơi, tự nhiên trong lòng tôi lại trào dâng một nỗi buồn man mác. Tôi chui ra khỏi màn, mở toang cửa sổ, nhìn ra cánh rừng trước mặt, chẳng thấy gì ngoài một màn đêm loáng loáng nước. Đi tới đi lui hoài trong căn chòi chừng một tiếng đồng hồ, bất chợt tôi nhận ra hình như có bóng người lao đi trong mưa...Tôi tìm vội bật lửa thắp đèn. Có ánh sáng, anh bạn Y KLen không ngủ được liền bật dậy, nói vọng ra:
- Sao? Không ngủ được à! Hay lại nhớ ánh đèn phố thì rồi.
- Ừ, lạ giường, lạ cảnh vật lòng tao thấy nôn nao thế nào ấy, không tài nào chợp mắt được.
- Mà Y KLen này, ở đây tao thấy lạ lắm, trời mưa xối xả như thế mà lại có một người đàn ông cứ lầm lũi đi ngoài mưa, miệng lẩm bẩm câu gì ấy.
- Đó là hắn đấy.
Tôi trố mắt ngạc nhiên hỏi lại, hắn là ai vậy?
-Tao cũng không biết nữa, chỉ biết lũ làng gọi hắn là Người rừng, thì gọi vây thôi.
Thấy tôi ngơ ngác tỏ vẻ không hiểu.
Y KLen tiếp lời:
Chuyện thế này: Trước đây cái xóm núi này chưa có, khu vực này chỉ toàn là một bãi cỏ lau dài chừng năm cây số. Hai bên sườn đồi kia là rừng gỗ hương cổ thụ, xanh um, khép tán. Nghe đâu đây là khu căn cứ H9 ngày xưa thì phải. Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột người dân vào đây định cư để giữ rừng nguyên sinh.
Do vây, cái xóm núi nhỏ này được hình thành từ đấy. Cái xóm núi này chỉ có mười hai căn nhà nhỏ bé, xinh đẹp, dài chừng một cây số. Từ quốc lộ 26 đi vào chừng hơn sáu mươi cây số theo một con đường mòn. Mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt. Mùa khô thì mù trời bụi đỏ. Hai bên đường là hai hàng hoa cúc quỳ xanh um, khoe những bông hoa vàng rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời. Đi giữa lòng đường nhìn thẳng ta có cảm giác như đi vào cung điện dát vàng của Nga Hoàng.
Xóm núi nằm song song với một con suối trong vắt, êm đềm, chảy suốt quanh năm. Bên kia suối là dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ , điểm xuyết những màu xanh đỏ của lá rừng. Dưới chân núi là rừng lồ ô mọc tua tủa như những ngọn giáo chống trời mà lên.
Cái xóm núi này có một lớp học nhỏ, ngày nào cũng có trẻ con đến học. Gọi là lớp học chứ thực ra chỉ là một cái chòi canh rẫy tuềnh toàng không có bàn ghế, chỉ có độc nhất một tấm bìa gỗ dựng đứng để làm bảng, và phấn là những hòn than đen đốt ra từ cây gỗ. Và đây cũng chính là chỗ làm việc, là nơi kiếm sống của một con người xem chừng có vẻ dở hơi, khờ dại, phiêu bạt từ đâu đến, không ai biết được chỉ quen gọi thầy giáo là người rừng.
Học trò ở cái lớp học này cũng rất đặc biệt. Đứa thì cõng em, đứa thì chưa mặc quần, đứa chân đất, mặt mày nhem nhuốc, mắt gèn mũi chảy. Nhưng đôi mắt thì rực sáng khát khao học cái chữ. Những nụ cười nắc nẻ sảng khoái khi nghe được những điều ưng ý trong bụng, hay khi viết được một cái chữ nào đấy. Chúng đến đây chủ yếu là để nghe, đôi khi cũng được thầy giáo cầm tay đưa từng nét chữ run rẩy trên bảng sao mà khó quá. Bởi bàn tay cứng cáp chai sạm, vì hàng ngày chúng chỉ quen với việc bẻ ngô, nhổ sắn, chặt củi mà thôi.
Trong cái xóm núi này ai cũng biết hắn, bởi vì hắn là thầy giáo của cái lớp nhỏ ấy. Thật tội nghiệp! Hắn ta điên mà lại hiền khô. Ngay cả khi lên cơn hắn cũng chưa bao giờ chửi bới hay đánh đập ai. Mà chỉ là đi một mình ngoài trời bất kì trời nắng hay mưa, đêm hay ngày. Miệng lẩm bẩm câu gì đó không ai biết được . Đó là khi hắn mê, còn khi hắn tỉnh thì hắn thường hay giúp đỡ mọi người bất kể công việc gì. Dưới bàn tay khéo léo của hắn mọi công việc đều trở thành đơn giản. Thành thử cư dân trong cái xóm núi này tất thảy đều tin tưởng gởi gắm con em mình cho hắn dạy, và ngầm bảo nhau rằng phải có trách nhiệm góp công, góp của nuôi dưỡng hắn. Thấy hắn sống cô đơn mấy chục năm nay mọi người ai ai cũng đều thương. Nhìn hoàn cảnh của hắn, ai cũng ái ngại. Đôi khi bắt gặp hắn cười khúc khích, hay ôm mặt khóc rưng rức khó mà ai cầm lòng được. Thấy hoàn cảnh của hắn như vậy không phải là không có người thương. Cũng đã có một cô sơn nữ xinh đẹp trong cái xóm núi này đan tâm tình nguyện đến sống với hắn để chăm sóc cho hắn. Nhưng đến lúc ấy hắn lại bỗng trở nên tỉnh táo lạ thường, hắn nói:
- Tôi bị di chứng của chất độc màu da cam, thân tàn ma dại rồi, tôi không muốn ai phải khổ thêm nữa! Tôi căm thù thằng Mĩ, căm thù chiến tranh.
Nghe kể đến đoạn này tôi cảm thấy thương hắn quá, thương hắn đến vô cùng.
Trời sáng, tôi liền giục Y Klen đưa tôi đến nơi ở của hắn. Đó là một khoảng đất rộng nằm ngay sát bờ suối, có một cái hang đá to và dài, có một lối đi vào cửa hang đá rộng chừng hai mét, phía trên miệng hang đá có hai cây đa và cây si cổ thụ mọc liền nhau.
Vách nhà là những tảng đá to và rộng, mái nhà là gốc và rễ cây đa và cây si.
Không hiểu sao, tôi cứ hình dung ngôi nhà của hắn rất giống như ngôi nhà của chàng Thạch Sanh trong truyện cổ tích.
Qua lời của những người già trong cái xóm núi này kể lại rằng: Trước đây, hắn là một chàng sinh viên văn khoa từ ngoài Bắc xung phong vào miền Nam chiến đấu chống Mĩ cứu nước. Hắn yêu tha thiết một cô gái Ba Na. Nhưng cô gái bị bọn biệt kích bắt đi để dụ hắn ra hàng, nhưng hắn kiên quyết không chịu đầu hàng địch. Rồi sau đó khoảng một tháng sau hắn sa vào tay địch, bọn chúng tra tấn hắn đến ngất sỉu, thành thử sau lần bị tra tấn của kẻ thù hắn trở thành kẻ ngớ ngẩn.
Nhưng cũng có người lại kể khác. Họ nói có lần thấy một bà lão hiền từ phúc hậu tự xưng là mẹ hắn đi tìm con trai. Bà khóc kể lại rằng: "Cháu nó đang là sinh viên văn khoa Trường đại học sư Hà Nội năm thứ 2, nhưng năm 1964 nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cháu nó xung phong lên đường nhập ngũ đi B, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, đến năm 1971 thì bị giặc bắt và tra tấn ở nhà tù Buôn Ma Thuột, chúng tra tấn cháu đến chết đi sống lại, sau đó biến chứng thành viêm màng não. Cháu mắc bệnh tâm thần từ ấy. Rồi cháu đi biệt vào rừng không ai biết, tưởng cháu đã chết, đơn vị đã báo tử về quê, sau này có đồng đội nói gặp cháu gần kho đạn ở H9, thuộc chiến trường Tây Nguyên. Đến mãi tận năm 1975 khi đất nước ta giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, gia đình mới có điều kiện đi tìm cháu. Nhưng khi vào đây thì cháu lại trốn, ít gặp được. Lúc tỉnh, tôi khuyên mãi, nài nỉ mãi mà cháu đâu có chịu về quê, nó nói là đơn vị phân công cháu ở lại giữ kho đạn, nên cháu không thể về được... Trời ơi! Chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm rồi mà con tôi vẫn còn ... "
Mẹ anh đến đây đón anh về. Người mẹ nào mà chẳng thương con, cho dù là đứa con tật nguyền hay khờ dại. Đằng này hắn lại là một người tri thức- một anh bộ đội Cụ Hồ, hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.
Đến bây giờ hắn đã trở thành người thiên cổ, đã trở về với đất mẹ miền Bắc thân thương, nhưng trong lòng mọi người ở cái xóm núi này hắn- Người rừng ơi!-Anh luôn hiện hữu là một hình tượng đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ trong lòng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Trong một chuyến đi công tác, tôi có dịp về thăm khu căn cứ H9. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy ở cái hang đá mà đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên quen gọi với cái tên thân thương- Nhà của người rừng có treo một bức thư pháp một bài thơ: Nhớ Rừng, mà nghe nói tác giả không ai khác chính là người rừng:
Nhớ Rừng
Đêm mưa tuôn giữa đại ngàn
Nghe triền thác đóng rêu xanh mất rồi
Thương đồi cây gãy tả tơi
Thương loài hổ, báo khóc lời tâm can
Rừng ơi! Sinh-Tử âm thầm
Ngàn năm gió bụi, nụ mầm hư vô
Ngẹn ngào dòng suối đã khô
Ngẩn ngơ muông thú đi vô...nhà hàng!
Nhớ rừng một kiếp bẽ bàng
Hồn cây, hồn núi, dã tràng... gió mưa
Trơi ơi! Thương mấy cho vừa
Tiếng chim tan tác biết về nơi đâu
Bao giờ mới thấy rừng sâu
Người ta đã phá từ lâu lắm rồi
Nhớ rừng hết đứng lại ngồi
Thương cho một kiếp luân hồi...
rừng ơi!
Nhà của người rừng bây giờ có một bát hương ngày đêm khói tỏa nghi ngút mà lòng tôi se sắt lại, lung linh một màu huyền thoại.
Có một cô gái Ê đê đang chắp tay khấn vái, thì ra cô bé chính là một trong những học trò của "người rừng" vừa thi đỗ đại học về đây khấn bái tạ ơn thầy.
Đêm nay, trời trở lạnh. Trằn trọc mãi tôi không thể nào ngủ được, tôi thức dậy quấn chăn quanh mình ngồi vào bàn viết. Không hiểu sao tôi viết về "hắn", cho "hắn? Người rừng ơi! Người rừng ơi!Anh mãi là một anh hùng trong lòng tôi và trong lòng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Anh đã sống một cuộc đời oai hùng không uổng phí, tấm gương của anh vẫn không bị người đời lãng quên, khinh thị mà đã hồi sinh cho đất nước nở hoa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét