Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Cây su su trên núi Tam Đảo

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Đĩ "tiếp thị". Truyện ngắn của Mai Trang.

Đĩ "tiếp thị".
Truyện ngắn của Mai Trang.
Hắn là một nghệ sĩ, hắn tự phong cho mình như vậy chứ có ai công nhận đâu. Từ thuở học sinh cấp hai hắn đã yêu văn chương đến lạ. Mà trong cái thời buổi kinh tế thị trường này, đầu óc cứ lơ lửng trên mây như hắn người ta gọi là đồ hâm.
Nhiều khi cơm áo gạo tiền đã làm cho hắn bức bối, đôi khi muốn từ bỏ tất cả những ước mơ cháy bỏng để đi theo tiếng gọi của đồng tiền, nhưng cái chất nghệ sĩ luôn trỗi dậy làm cho hắn gục ngã. Hắn luôn muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh của thực tại, dù gặp bất cứ trở ngại nào, hắn đều suy nghĩ theo chiều hướng tích cực để tự động viên, an ủi mình.
Trời mưa! Hắn tạt vào một quán nước bên đường Lê Thị Hồng Gấm nhâm nhi ly rượu suông để tăng thêm "nhiệt lượng " trong người. Bỗng có mùi nước hoa sực nức xộc
ngang mũi, gay nồng. Hắn ngẩng đầu lên, một ả mặt hoa da phấn đã ngồi sát bên hắn
từ lúc nào, chiếc Dream dựng bên cạnh. Ả gọi một bao thuốc ba số 555 và một ly rượu rum, rồi mở túi lấy cái gương con, ngắm nghía, tô lại đôi môi mọng đỏ:
- Mẹ kiếp! Mưa quá, mưa đến thối cả đất thế này thì còn làm ăn gì được?
Ả cầm ly rượu lên, vừa nhâm nhi vừa đánh xéo đôi mắt về phía hắn:
- Hắn lẩm bẩm: "Nhìn cũng xinh đấy". Hắn vừa thầm khen ả, thì bàn chân ả đã day day lên chân hắn.
- Vui vẻ tí không ông anh? - Ả mỉm cười- điệu cười quyến rũ.
- Trời mưa buồn thúi ruột, chứ vui vẻ cái nỗi gì?
- Hí...hí...hí...rõ chán cho ông anh. Trông trắng trẻo thông minh thế mà chậm hiểu. Vui
vẻ...là tươi mát chứ còn gì nữa?
- Vậy ra cô là...
- Là điếm! Là con điếm, là con đĩ tiếp thị hiểu chưa? Hết tò mò chưa?
Điếm "tiếp thị"? Hắn ngẩn mặt một hồi lâu. Danh từ "điếm " thì chả ai còn lạ gì, nhưng gắn thêm vào nó hai từ "tiếp thị" thì quả là một nghề mới đây?
- Ông anh ngạc nhiên lắm à? Thời buổi mở cửa của cơ chế thị trường, thì phải...năng động chứ. Nếu cứ nằm bẹp ở mấy quán cà phê đèn mờ, cà phê vườn, quán bia, hiệu cắt tóc nghệ thuật,...mà đợi các "thượng đế " rước đi thì có mà ăn cám. Phải đem "hàng" đến tận nơi mà "phục vụ" hiểu chưa? Sao ? Ông anh có thưởng thức một "dù" cho nó ấm áp tình đời không?
Thấy hắn lắc đầu, ả đứng dậy ngúng nguẩy bước ra xe.
Bà chủ quán đứng lên ngoái cổ ra ngoài cửa gọi với:
- Cô tính tiền đi chứ?
- À! Có ông anh đây thanh toán dùm...hí...hí...Rồi ả lao xe đi hòa vào dòng người tấp nập ngoài phố kia...
Tuy mất đứt hơn một trăm nghìn đồng, nhưng hắn không ân hận vì vừa phát hiện ra một cách làm ăn mới của cái xã hội mại dâm, mà hắn mới chỉ thấy phê phán trên truyền hình. Điếm thì bao giờ chả là điếm. Chỉ có điều đứng đón khách mãi ở vỉa hè, công viên hay các quán trá hình mãi cũng nhàm, lại bị cả dân làng chơi lẫn công an quen mặt, nên các ả đã nảy ra sáng kiến dùng xe máy tay ga loại xịn lượn lờ khắp hang cùng ngõ cụt để kiếm khách. Bất kể nơi nào, hễ quan sát thấy "con mồi" có thể làm ăn được là lân la bắt chuyện, tán tỉnh gạ gẫm. Làm thế có rất nhiều cái lợi. Thứ nhất là được đồng nào ăn đồng ấy, khỏi phải chia chác cho bọn "ma cô cò mồi", nhiều lúc đã vòi tiền rồi mà còn chơi quỵt. Thứ hai là chúng không bị các chủ chứa ăn chặn. Thường số tiền ăn chặn của các chủ chứa là một nửa số tiền mà gái kiếm được trên một lần chơi. Thứ ba là chúng tạo cho khách chơi không có cảm giác chúng là điếm, mà như là "tự nhiên bắt được của lạ". Cái vỏ ngoài này quan trọng lắm, đã làm cho không ít quý ông mắc bẫy. Ông Vệ, giám đốc của cơ quan hắn là một ví dụ. Ông có hai cửa hàng bán phụ tùng xe máy lớn nhất ở cái thành phố này. Một lần làm quen với một ả gọi là vào hàng "hót girl". Ả cho ông số điện thoại và số nhà để ông mò đến. Trong nhà ả có thờ ảnh một người đàn ông, và có một đứa trẻ bốn tháng tuổi đang nằm trên võng mà ả gọi là con. Ả tâm sự : "Em có hai cháu, cháu lớn đang ở nhà bà nội, còn cháu nhỏ vừa sinh được một tháng thì nhà em mất". Cuộc tình bắt đầu từ những câu chuyện thương tâm, động lòng trắc ẩn như vậy, khiến cho ông giám đốc càng cảm kích và tò mò. Ông không thể cưỡng lại được trong những lần gặp ...Ả chống lại khi ông sáp lại gần. Một cuộc chống cự ngọt ngào, đủ để ông già cảm thấy mình đang còn sung sức chiếm đoạt một góa phụ kém mình ba mươi tuổi. "Đừng thế anh ơi. Đừng như vậy...anh đừng làm em phải thất tiết với chồng", và sau vài tuần đi lại, sau khi đã vét sạch số tiền của ông già ngang bằng với hai chiếc xe ô tô đời mới , ả đã biến mất. Lúc đó, ông giám đốc mới ngã ngửa ra là mình đã bị lừa.... Từ căn căn nhà, bức ảnh đến đứa trẻ...đều của đi thuê.
Một mánh khóe nữa mà hắn phát hiện ra trên các tuyến phố đông dân cư, đó là: các ả ăn mặc những kiểu quần áo từ chất liệu thun mỏng bó sát người "trên cao, dưới ngắn ", hết sức moden , rồi mò vào tận nhà vờ vĩnh hỏi mua cái này cái nọ, hoặc bán cái này cái kia. Loại này thường rất táo tợ. Đối tượng chúng chọn là những ông tuổi xồn xồn, có máu "ham của lạ" , nhưng lại sợ vợ. Chọn lúc các bà vợ không có nhà, thì chúng đến. Hắn đã được nghe ả Thanh Trúc chẳng dấu diếm gì kể toang toác cho nghe cái lần ả trúng quả đậm: Lần đó ả đóng vai một người đi bán thực phẩm chức năng của một công ty của Mĩ, ả lần đến nhà anh B. trên đường Trần Phú. Vừa vào đến nhà, ngó trước ngó sau không có chị vợ ở nhà, ả giả vờ vấp ngã, loạng choạng bấu víu lấy anh chủ. Không bỏ lỡ cơ hội, anh chủ dang tay đỡ lấy ả, bế vào phòng "xoa dầu...". Hành sự xong, ả đòi hai mươi triệu đồng, lúc ấy anh mới ngã ngửa. Lời qua tiếng lại , anh vứt cho ả một triệu đồng. Không nói một lời nào, ả để nguyên thân hình lõa lồ của mình tru tréo lên, rằng ả đã bị anh hãm hiếp...Hoảng quá và lại sợ hàng xóm nghe thấy thì ê mặt. Không làm sao được, chỉ còn mười phút nữa là đứa con gái lớn đi học về, anh đành ngậm bồ hòn làm ngọt, đưa cho ả số tiền lương mà hai vợ chồng anh tích cóp mấy tháng trời .
"Điếm tiếp thị" cũng chia làm ba hạng: thượng lưu, trung lưu và bình dân. Loại trung lưu thường là những ả bị thất tình, bị phụ tình, hay là những cô nương con nhà giàu đua đòi ăn chơi lêu lổng, dạng này nhan sắc vào loại "nghiêng nước, nghiêng trời", nhưng mục tiêu của các ả không phải là kiếm tiền, mà là để giải sầu là chính. Còn loại bình dân là loại kém nhan sắc vừa già, hành trang nghề nghiệp của các ả thường chỉ có chiếc xe đạp cà tàng, cái túi xách con đựng tấm ni lông, khăn mặt, gương lược và chút son phấn rẻ tiền. Nơi chúng mò đến thường những khu tập thể, các xóm lao động nghèo, bến xe khách, xó chợ... Thu nhập của loại này không nhiều, không ổn định. Gặp khách thì chơi, không gặp khách thì biến thành đạo chích.
Trái lại, điếm cao cấp là loại có học thức cao, trẻ đẹp, đi xe máy loại xịn. Đối tượng chúng nhằm đến là những ông cán bộ bụng bự, những thương gia, những khách nước ngoài hay chí ít cũng là những ông chủ trang trại ...Cùng lắm là những công tử con nhà giàu. Thủ đoạn của bọn chúng cũng rất "siêu tinh vi". Ông L.TH.C giám đốc công ty K. Một buổi tối buồn tình bảo lái xe đánh chiếc Kia K3 đưa ông đi lòng vòng, gặp một cô gái áo vét váy ngắn màu kem sữa, đứng e ấp bên đường như ý muốn đi nhờ, ông liền mời nàng lên trò chuyện. Nàng cho ông biết mình là sinh viên quản trị Kinh doanh mới ra trường và đang làm hợp đồng ở công ty D. Sắc đẹp mê hồn của nàng đã làm ông ngây ngất. Ông mời nàng về làm "thư kí riêng" cho mình. Mấy ngày sau nàng đến, ông bảo phải qua một kỳ "thi tuyển" cho nó có khách quan.
- Có nhiều người dự thi không anh?
- Có 5 thành viên trong ban giám đốc.
Rồi cuộc thi tuyển cũng diễn ra như dự định. Mọi người đều thán phục giám đốc khéo chọn được một cô thư kí vừa đẹp người lại giỏi về chuyên môn. Những lời thán phục đó lại càng làm cho ông mê mẩn. Từ ngày ấy nàng trở thành người giữ chìa khóa cái tủ riêng ở cơ quan của ông. Bỗng một hôm, bạn ông một thương gia có tiếng ở TP. đến chơi. Hôm ấy ông đi công tác ở bên Lâm Đồng. Vừa trông thấy ông "thương gia " kia, ả thư kí tái mặt, ông "thương gia" cũng tái mặt, vội vã ra về. Hôm sau ông L.TH.C. về, nhận được điện thoại của bạn"Anh đuổi ngay con thư kí. Nó là con lừa đảo, nó vét của tôi 60 ngàn đô mà tôi đành ngậm đắng nuốt cay".
Ông bỏ máy, hấp tấp chạy sang phòng bên. Nàng không có ở đó. Gọi điện cho chánh văn phòng lên, thì được trả lời.
- Chiều hôm qua cô ấy nói anh gọi điện về nói cô ấy qua Lâm Đồng gấp. Chân tay rụng rời. Mồ hôi hột vã ra đầy mặt, ông mở cái tủ riêng mọi ngày vẫn giao cho cô ấy giữ chìa khóa...Thế là 30 cây vàng cùng 500 triệu đồng tiền mặt đã cùng cô "thư kí riêng" cao chạy xa bay...
Chao ôi! Cơ chế thị trường đã sinh ra những nghề năng động "tiếp thị siêu tinh vi"...thế này.
(còn nữa)

KẾT NỐI YÊU THƯƠNG

Về lại chốn xưa
Krông Păc- tên cái buôn nhỏ thân thương cứ da diết theo anh trên những bước đường hành quân trong suốt những năm tháng đánh Mĩ. Lúc nào anh cũng mong có ngày được trở về cái buôn nhỏ bên dòng sông Krông Păc yêu thương.
ChIẾN TRANH. Một trò chơi nguy hiểm của con người. Chính vì lẽ đó đã khiến anh lưu lạc nơi đất khách quê người. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa trên quê hương anh đã hơn bốn mươi năm rồi. Bốn mươi năm là một khoảng thời gian quá dài so với một đời người. Kí ức về tuổi thơ nơi buôn Krông Păc yêu dấu luôn là động lực để anh vượt qua bao sóng gió cuộc đời. Nhưng tại sao đến bây giờ anh mới trở về buôn cũ? Đó là một lời thắc mắc, là câu hỏi, hãy cũng là nỗi đau mà bấy lâu nay anh vẫn phải gồng mình gánh chịu. Sự thật bao giờ cũng nghiệt ngã, bao giờ cũng thách đố lòng kiên nhẫn của con người. Bốn mươi năm qua anh có cười được đau khi đau đáu một lối về còn mờ xa hun hút...Cho dù đã đi qua cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây là một nhiệm vụ vinh quang và cũng là một việc làm bình thường của bất cứ anh trai làng nào của đất nước Việt Nam khi đất nước có tranh. Mà chính anh là người đã đi qua, là nhân chứng sống. Bốn mươi năm lưu lạc trên đất người anh nào có giây phút được bình yên. Cõi lòng anh đang rỉ máu , đang cào buốt, cào buốt đến khôn cùng.Ở tận cùng của nỗi đau khi cuộc chiến tranh đã đi qua.
Bây giờ anh đã trở về đây, trên con đường này, trên đôi nạng gỗ, lê từng bước, từng bước chân nặng nhọc đu người lên con dốc Chư Quynh tìm cây Kơ nia ngày xưa bây giờ chỉ còn trơ lại gốc. Bọn trẻ con trong buôn thấy người đàn ông lạ, da sạm đen, trên khuôn mặt chi chít những vết sẹo dọc ngang, lưng đeo ba lô con cóc đã sờn, tập tễnh leo lên con dốc một cách nặng nhọc thì chúng thấy lạ và tò mò chạy theo sau. Bọn trẻ con không biết anh là người con của cái buôn này. Chúng chỉ nghe loáng thoáng người già kể lại, trước đây ở buôn Krông Păc có một chàng trai khỏe mạnh vật ngã cả trâu rừng, đánh chết hổ dữ trong rừng già. Anh hỏi chúng, buôn Krông Păc bây giờ ở đâu? Chúng ngơ ngác nhìn nhau, rồi tất cả đều lắc đầu, chỉ tay và nói: ở đây chỉ có buôn Cam Rưng dưới chân núi Chư Quynh kia chứ không có buôn Krông Păc.
Anh lại đu mình trên đôi nạng gỗ nhấc từng bước chân lên dốc Suối Khỉ, vai áo ướt đẫm mồ hôi.
Trên mảnh đất mà người Êđê đến lập buôn tên Krông Păc giờ đã trở thành con đập Krông Puk Hạ lớn nhất khu vực miền trung và Tây Nguyên mênh mông sóng nước. Những dòng kênh dẫn nước từ đập Krông Puk Hạ vươn xa tưới tiêu cho cả một vùng đồi núi rộng lớn ở Tây Nguyên. Những đồi cà phê, cao su, hồ tiêu xanh mát vươn xa, đan chen vào nhau, cọ xát vào nhau phát ra âm thanh kẽo kẹt như tiếng đưa võng của các A Mí từ các buôn làng xa vọng lại. Người trong buôn Krông Păc đã xuống núi định canh , định cư theo chủ trương của Đảng và Chính phủ từ cái ngày anh đang còn nằm hầm ở chiến trường Hạ Lào.
Đang vẩn vơ bên gốc cây Kơ nia già cụt ngọn, dấu tích của buôn xưa còn sót lại, bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ yêu dấu chợt ùa về. Bất chợt có tiếng gọi từ đằng sau khiến anh giật mình.
Y Khoa ...có nhận ra em không? Nhìn mãi một lúc sau, cố lục tìm trong trí nhớ mà anh vẫn chưa thể nhớ ra tên cô gái. Cô gái che miệng, cúi mặt cười e thẹn.
- Cái bụng em giận rồi đó! Dù đã qua hơn bốn mươi mùa hoa dã quỳ nở rồi, giờ em vẫn còn nhận ra anh. Còn anh thì...
- Em là H' Mai cô bé mồ côi cha, đi chăn bò thuê, hồi còn nhỏ hay chăn bò ở suối Ea Uy , thường được anh che chở mỗi khi bị bọn con trai ở buôn Pan bắt nạt đó mà! Đôi mắt H' Mai bây giờ đen tròn long lanh như mắt con chim Phí, đôi gò má ửng hồng, đôi môi đỏ như cánh hoa Ban , và cái cổ cao, trắng ngần như con chim Công thế kia thì ai còn nhận ra được một H' Mai nhếch nhác, đen đúa thuở nào.
Anh gục đầu, úp mặt vào gốc cây Kơ nia khi nghe kể về A Mí nhớ thương anh mà héo hon dần như tàu lá chuối rừng, rồi về với Yàng khi nghe tin anh đã chết vì bom đạn giặc ở Cánh Đồng Chum bên tận nước Lào xa lắc. Vợ anh cũng bỏ buôn Krông Păc đi lấy chồng ở buôn xa.
H' Mai đỡ anh đứng dậy, gỡ ba lô sau lưng, lấy khăn lau nước mắt rồi dìu anh xuống dốc đi về buôn mới.
Bóng hai người in vào chân núi Chư Quynh mờ mờ ảo ảo. Dưới làn khói sương chiều lảng bảng, hai người nương tựa vào nhau xuống núi đi về buôn mới Cam Rưng. Từng cơn gió rung rung cành lá như cũng reo mừng. Aỏ ảnh của bình minh đang hiện ra mơ hồ.

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Mắc nợ mùa thu

Mắc nợ mùa thu
Cả đời mắc nợ mùa thu
Rưng rưng nhặt tiếng chim gù rừng đêm
Tím chiều ly rượu không em
Ta về lối cũ lạ quen con đường
Ngổn ngang chân núi mây vương
Đỗ Quyên đỏ thẫm mùi hương đậm đà
Tiếng chim xao xác lòng ta
Chòng chành bóng núi la đà mây bay
Nhớ em đến cạn cả ngày
Thời gian sao nỡ đổi thay ...hỡi người

Rùng Rình còn ai đứng đợi
Thác Mây bạc trắng rong chơi Cổng Trời
Tây Thiên cực lạc cõi người
Anh thơ thẩn bước vui đời thiên di
Mênh mang trên núi Thiên Thị
Nhìn sang Thác Bạc thầm thì ...nỗi oan
Còn đây sương xuống ngỡ ngàng
Hồn ta mắc nợ sắc vàng thu xưa.
Mai Khoa Thâu
Nhà sáng tác Tam Đảo 18.8.2015

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Mênh mông rừng khộp

Mênh mông rừng khộp
tản văn của Mai Khoa Thâu
Tặng các chiến sĩ  bộ đội biên phòng đồn Bô Heng Đak Lak.

Chiều xuân. Dọc con đường vành đai biên giới Tây Nam vàng rộm màu lá cây của rừng khộp, rực lên như thiêu đốt con đường đầy bụi đỏ uốn quanh đồn biên phòng Bo Heng, cho ta một cảm giác ấm áp và bình an, và gió cứ xột xoạt dưới tán rừng khộp tạo nên một bản nhạc du dương.
Con đường dẫn vào đồn biên phòng Bo Heng hun hút, trải dài phía trước như thể nó sẽ đi bất kể tới nơi đâu mà con người cần đến nó. Khi  những trận gió lốc có nguy cơ chạy xồng xộc vào khu dân cư và đe dọa mạng sống con người, rừng khộp vươn cánh tay mạnh mẽ, vạm vỡ ra che chở cho con người.
Nhìn từ xa, con đường vành đai ngoằn ngoèo như một con rắn khổng lồ quấn chặt lấy rừng khộp.  Nó mang trên mình những bước chân vội vã đi về phía con suối Đak Đam nơi có cột mốc  phân định chủ quyền của nước ta. Nó mang trên mình sức nặng  những bước chân vững trãi của các chiến sĩ bộ đội biên phòng  tuần tra biên giới, của những kí ức và của tình hữu nghị với nước bạn láng giềng Cam Pu Chia .
Rừng khộp thu vào lòng mình những cơn gió mát, những nhánh lan rừng ngan ngát tỏa hương, những tiếng  gà rừng đong đưa trong buổi sớm mai, những tiếng chim ca ríu rít gọi bạn khi chiều về. Sức sống của rừng khộp, không chỉ là sự chịu đựng nắng mưa mà còn là sức mạnh nội tại bản thân nó thật kiên cường. Mùa khô khi trút bỏ bộ áo lá xuống, rừng khộp chỉ còn trơ trọi những cành, dẫu có gặp những những trận lửa thiêu đốt làm xém thân cây, nhưng chỉ cần một trận mưa thôi là rừng khộp bừng lên một sức sống mãnh liệt. Những trồi non tua tủa mọc lên xanh ngát. Rừng xanh vững bền bởi cây và cỏ, và cũng đáng yêu hơn hết cũng là một màu xanh bạt ngàn của rừng.
Nếu có dịp đi trên con đường vành đai biên giới vào đồn biên phòng Bo Heng trong một ngày đầu xuân, ta sẽ nhận ra điều kì diệu từ rừng khộp. Khi ánh mặt trời chuẩn bị hắt lên những tia nắng cuối cùng  trên bầu trời đỏ lịm, thì rừng khộp vẫn hiên ngang chĩa thẳng lên trời. Cả một khu rừng khộp mênh mông như một điểm tựa vững chắc nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Nó tìm một thế đứng vững vàng khi ánh mặt trời tắt hẳn . Khi những cây khộp nương vào nhau, nó đan chen và quyện vào vào nhau-trong bản tình ca bất tử về sức sống mãnh liệt và sự kì diệu của giống loài. Đặc biệt, mỗi độ mùa xuân về, lá khộp vàng óng ánh lấp loáng trong nắng vàng, mỗi khi có gió, bản tình ca muôn thuở ấy được tấu lên, với sự ngân rung của đất trời, vũ trụ. Lẽ tất nhiên, con người mới chỉ cảm nhận được một phần "qua bàn tay vẫy gió của nó" mà thôi! Những cây khộp đứng hiên ngang nơi vùng biên cương, những cành lá vàng óng phất phơ như làm nền cho bức tranh lãng mạn và tình tứ của khu rừng nơi vành đai biên giới. Dù có gió mưa, hay nắng cháy đi nữa, nó vẫn lan về bốn phía với một sức mạnh khi thường.
Tôi biết loài cây khộp luôn minh chứng cho sự bất tử của mình đằng sau khát cháy, bão giông. Như con người khẳng định đằng sau đau khổ và bất hạnh của chính mình vậy. Cho dù, đã có những vệt cháy lan xa...Đã có những cơn mưa xoáy đi sự sống của nó. Nhưng thật kì lạ. Chỉ cần đến mùa xuân, những cây khộp bảo nhau bật dậy, đâm chồi nẩy lộc, như chưa hề gặp tai ương bao giờ vậy! Từng vạt rừng khộp vươn những búp non xinh xắn nhô ra và lan xa, xanh mướt. Và ta hiểu, sự linh nghiệm và giấc mơ lãng mạn của rừng khộp mãi mãi là có thật, dẫu con người  có muốn tin hay không...
Những cánh  rừng  dọc vùng biên giới muôn đời vẫn tươi tốt, nhất là rừng khộp. Từng đám rừng khộp cứ nhằm nỗi nhớ mà thêu dệt những bức tranh mộng mơ của các cô thôn nữ, của các chàng lính trẻ. Không ít giấc mơ hồng đã được rừng khộp găm thành kỉ niệm. Trong bức tranh cổ tích  thời chiến, cũng như thời bình của các chàng lính trẻ được dệt bởi cây khộp, có nhiều mối tình lãng mạn và quấn quýt bởi những nguyên cớ đáng yêu như vậy.
Chợt nhớ câu chuyện thời chiến tranh chống Mĩ cứu nước có đôi trai gái yêu nhau say đắm. Khi chia tay để người yêu lên đường đi B, cô gái đã gói chùm hoa bưởi gửi cho người yêu để thổ lộ tình yêu đắm đuối của mình, trên đường ra trận chàng trai đã coi đó là một báu vật mãi mang theo bên mình trên đường hành quân. Do lập được nhiều chiến công chàng lính trẻ được tuyên dương và được thưởng 5 ngày phép, trên đường về không có gì làm quà tặng người yêu, lúc bấy giờ là mùa xuân nên những cây phong lan rừng chưa trổ bông, chàng lính đã lấy lá của cây khộp kết thành hình trái tim nhờ sắc vàng bộc lộ nỗi nhớ bao la...để chuyển thông điệp tình yêu của mình đến cô gái ở hậu phương.
Vâng. Tình yêu là vậy. Tưởng như mong manh, giản đơn, nhưng hóa bền chắc và  sắc lắm. Nếu chạm vào biểu tượng này, con người sẽ giật mình bởi biểu tượng trong tâm thức- đó là chạm vào nỗi nhớ, vô hình mà nói đau. Nó nhắc người trong cuộc đừng quên.
Không ít kỉ niệm tình yêu đầu đời của những người lính trẻ biên phòng đã gắn bó keo sơn bởi vị ngọt ngào của rừng khộp, bởi sự độc đáo của rừng khộp, bởi sự mơ màng của lá khộp, bởi sự mộc mạc và gần gũi của rừng khộp...
Tôi rảo bước trên con đường vàng đai biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Phía trước, ngút ngát tầm mắt, những cây khộp vẫn lan xa, nối vệt xanh  đến tận cuối đường chân trời. Cây khộp mùa này cằn cỗi bởi nắng cháy. Những dấu vết rừng khộp úa vàng bởi hơi nóng phả ra từ những tia nắng chói chang rừng rực kia. Nhưng chỉ cần qua một đêm thôi, tất cả như đổi khác. Cây khộp rùng mình đứng dậy. Nó vươn ra những  bàn tay -búp lá xanh non, để hồi sinh trở lại, sau những cơn nắng nóng bất thường của đất trời. Dáng đứng hiên ngang, kiên cường bám chặt vào mảnh đất thiêng liêng nơi địa đầu cuả  Tổ quốc, như những người lính biên phòng không quản ngại mưa nắng, vẫn đêm ngày cầm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên cương của Tổ Quốc.
Những cây khộp vùng biên cương...
Nỗi nhớ và sự mộng mơ vô tận của tình yêu và đất trời...

Đầu xuân ẤT MÙI 2015.

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Chị Vinh- Truyện ngắn của Mai Khoa Thâu

truyện ngắn- Chị Vinh
Chị Vinh
truyện ngắn của Mai Khoa Thâu
Vinh là tên chị. Tôi chẳng biết chị từ đâu tới nữa, bởi từ khi tôi đặt chân vào khu tập thể này đã thấy chị có mặt ở đây rồi. Tôi còn nhớ mãi chị là người đầu tiên bế tôi khi tôi khóc và mua bánh cam cho tôi ăn. Tôi chẳng thể nào nhớ nổi đã bao nhiêu lần chị dỗ tôi ngủ khi tôi cứ nằng nặc đòi về quê. Mà không khóc sao cho được khi mà một thằng bé con mới tám tuổi đầu như tôi đã phải xa quê hương, xa mẹ, và các anh chị em tôi để theo bố lên thành phố vừa để học hành cũng vừa để chữa bệnh.
Hồi đó tôi vừa bé lại hay đau ốm thường xuyên, nên việc đưa tôi lên thành phố nơi bố tôi công tác là một quyết định khó đối với gia đình tôi. May thay cái thằng bé còi cọc mới tám tuổi đầu như tôi được chị Vinh yêu thương và chăm sóc tôi hết lòng.
Hồi đó, chị Vinh là một cô gái thành phố xinh đẹp, nhanh nhẹn, mạnh khỏe nhất khu tập thể của cơ quan bố tôi. Cả khu tập thể này đều mến chị ở đức tính hiền lành, dịu dàng chịu khó. Năm đó chị Vinh đã mười tám tuổi, đã học xong lớp mười hai và đang ôn thi đại học. Thành thử tối nào chị cũng bày cho tôi học bài, những đêm trăng sáng chị còn đọc thơ cho tôi nghe nữa. Qua giọng đọc ấm áp của chị tôi đã mơ hồ hình dung ra những dòng sông trăng trong thơ Hàn Mặc Tử lấp loáng đi vào tim tôi. Và cũng chính từ những đêm trăng đó vô tình chị đã gieo sự yêu thích thơ văn trong tôi. Tôi còn nhớ mãi chị ở với anh chị của chị trong một căn phòng chật hẹp của khu tập thể, ở giữa căn phòng được kéo một cái ri đô vải màu xanh, xung quanh có mấy bông hoa hồng màu đỏ. Hồi đó, điều kiện vật chất còn thiếu thốn, thành thử là con gái mà chị cũng chẳng mấy ăn diện, tôi nhớ có một lần bố tôi mới mua cho tôi một cái mũ lưỡi trai màu mỡ gà, chị sang mượn để đội đi chơi với bạn bè, chiều về làm rơi xuống vũng nước ướt đẫm, lại thêm ném nhém màu đất đỏ, thấy vậy tôi òa khóc bắt đền chị, tôi mắng chị, và chị cũng bị nhận một cái tát tai từ anh trai của mình. Bị chạm vào vết thương lòng, chị tỏ ra bối rối. Mỗi khi bối rối, chị thường xõa mái tóc dài ngang qua mặt và dựa cửa nhìn ra phía khoảng đồi mênh mông trước nhà. Cái hình ảnh mái tóc xõa dài ngang qua mặt ngày nào của chị cứ vô hình như cứa vào da thịt, bóp nghẹt trái tim tôi. Nên cõi lòng tôi lúc nào cũng trống trải, xót xa.
Ngày đó...cái ngày đó đã xa xôi lắm rồi, khi tôi còn là một thằng bé con, không đếm hết bao nhiêu lần bị bố đánh vì cái tội ham chơi, tôi đã chạy đến tìm chị, rồi úp mặt vào ngực chị mà thổn thức, đến khi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Cái ngày ấy, tôi có một cái tật là thích được úp mặt vào ngực chị để nghe chị đọc thơ, được chị xoa đầu mắng yêu tôi là :"cái thằng khóc nhè thế này thì lớn lên làm sao đi bộ đội được". Đến chết tôi cũng vẫn còn nhớ câu nói ấy của chị, nó cứ âm vang mãi trong đầu tôi, nó là động lực giúp tôi trưởng thành hơn mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc đời. Chị nói con trai là phải kiên cường, chứ cứ khóc nhè như em thì làm được cái trò trống gì. Vả lại sau này chị đi lấy chồng thì lấy ai mà nũng nịu. Thú thật, hồi bé, tôi thích nhất trên đời là được úp mặt vào ngực chị để nghe chị đọc thơ. Vì ngực chị ấm áp và thơm tho như mùi lúa chín, và êm như nhung và mềm như khăn bông. Độ ấy chị vừa mười tám, còn tôi mới bước vào mẫu giáo. Bởi xa quê hương đến nơi đất khách chỉ có hai bố con, nên thành thử tôi cảm thấy hẫng hụt và thiếu thốn tình cảm anh chị em, mẹ con, tình cảm làng xóm và cả bạn bè nữa.(Hồi đó thực tình còn phân biệt dân bắc, dân nam nữa), nên thành thử tôi cảm thấy rất cô đơn và lạc lõng giữa cái thành phố nhộn nhịp này, nhưng bù lại tôi đã có chị Vinh làm bạn với tôi. Đối với tuổi thơ của tôi như thế là đủ, thậm chí tôi còn cảm thấy hạnh phúc.
Rồi thời gian trôi, chị Vinh đi học đại học ở trong thành phố, về sau này tôi lớn dần lên, nghe nói chị đã lấy chồng ở tận Kiên Giang, kể từ đó chẳng bao giờ thêm một lần tôi được úp mặt vào ngực chị để nghe chị đọc thơ nữa...
Kể từ đó tôi ngày đêm nhớ đến chị, nhiều đêm tủi thân tôi khóc, không biết từ bao giờ tôi đã coi chị như chị ruột của mình, cũng có khi tôi coi chị như người mẹ của mình. Thực tình mà nói, chị Vinh chỉ là một người chị ở cùng tập thể trong cơ quan của bố tôi, song từ khi bước chân vào khu tập thể này tôi đã thân quí chị như hơn cả chị em ruột thịt. Mọi người trong khu tập thể này vẫn thường nhắc, cái thằng bé còi cọt là tôi lớn lên được đỏ da thắm thịt, phổng phao như ngày hôm nay là nhờ một phần công lao to lớn của chị. Ở trong cái khu tập thể này chị là người yêu thương, chăm bẵm tôi nhất. Chị lớn hơn tôi mười tuổi, thường hay cho tôi ăn, ru tôi ngủ bằng những bài thơ Hàn Mặc Tử. Nghe mọi người kể, thương tôi còi cọc, chậm lớn nên cứ sau mỗi trận mưa rào, chị thường hay ra bờ sông hai bên sườn đồi bắt cóc đem về nấu cháo cho tôi ăn. Hồi đó trong bếp ăn tập thể thường hay độn sắn khô,độn ngô hay bo bo, nhưng bao giờ sới cơm cho tôi chị cũng thường sới phần cơm trắng cho tôi nhiều hơn. Bên nhà chị có sáu chị em toàn là gái, thành thử chị lại càng dành tình thương cho tôi nhiều hơn. Lúc tôi lớn, đi đâu, làm gì hễ gặp một người con gái nào tôi cũng đều thường so sánh với chị. Da chị trắng, mặt mày sáng sủa, thanh thoát, đức tính lại hiền lành dịu dàng. Do vậy, tôi cảm thấy chị như một nàng Bạch Tuyết trong truyện cổ tích, thành thử tôi cảm thấy không có một người con gái nào đẹp như chị. Nhưng đặc biệt hơn với những người khác là ở chị là nụ cười. Một nụ cười rộng mở, để lộ hàm răng trắng, đều tăm tắp, nụ cười của chị như bừng lên một thứ ánh sáng ấm áp.
Vậy mà có một hôm, chị từ thành phố về một mình với bộ dạng thất thểu. Lúc đó là buổi chiều. Nắng quái chiếu qua cửa sổ, nơi cái bàn gỗ trong phòng tập thể mà chị vẫn hay thường ngồi. Tôi, như mọi khi, mang đến cho chị một ly nước lọc. Song, hôm ấy chị đã không cười, không nhìn tôi và nói cám ơn, như mọi khi...Chị lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi cái bàn chị vẫn hay ngồi. Dáng ngồi cô độc và buồn bã. Tôi hỏi lại là chị có muốn uống nước lọc hay nước chè xanh? Chị giật mình quay lại, ngơ ngác. Tôi hỏi lại. Chị xua tay, lắc đầu: " Không! Cho chị một ly rượu, rượu trắng, rượu thuốc, rượu gì cũng được". Tôi lưỡng lự. Chị nhắc lại: cho chị một chai rượu, rượu gì cũng được. Tôi lần khân. Sao hôm nay lại uống rượu chứ không phải là nước lọc như mọi khi?
Chị tỏ vẻ khó chịu :"Sao còn đứng đó! Nhanh lên!".Nhưng chị ở lại có một đêm, sáng sớm hôm sau chị vội vàng ra đi khi tôi chưa kịp hỏi địa chỉ. Chị luôn chơi trò đuổi bắt với tôi như thế.
Đến tận năm thứ hai khi tôi nhập học, chị tìm đến khu nhà trọ tôi ở, chị bắt tôi phải về sinh sống với anh chị để chị tiện bề chăm sóc việc ăn uống cho tôi đỡ vất vả. Cái thằng con trai mười chín tuổi đầu như tôi khi đó đã đủ trưởng thành, biết kiềm chế cảm xúc và ý thức được bản thân mình. Tôi kiên quyết từ chối, dù rất muốn sống bên chị để được chị chăm bẵm như ngày bé thơ.
***
Nhưng rồi một đêm mưa to gió lớn, chị bỗng dưng tìm đến khu nhà trọ của tôi. Nhìn chị ướt sũng, khuôn mặt bợt bạt như hồn lìa khỏi xác, hai mắt sưng mòng vô cảm, tôi linh cảm có chuyện chẳng lành. Tôi nhìn thân xác chị, máu như đông lại, cổ họng ứ nghẹn. Chưa bao giờ tôi thấy lòng mình đau đớn như vậy. Chị ngồi bệt xuống góc phòng, miệng lẩm bẩm câu gì đó nghe như tuyệt vọng. Tôi thảng thốt, chị lẩm bẩm trong tiếng cười gằn giống như người điên:"Kết thúc rồi em ạ! Hắn đã lừa chị. Hắn đã giết chết niềm tin của chị...".
Chị nằm bẹp cả tháng. Khóc ròng. Người gầy rộc, xanh sao. Chồng chị, anh ấy đến bao lần tìm chị, là bấy nhiêu lần quỳ xuống xin chị tha thứ. Những người đàn ông hối hận, khi đó nhìn khuôn mặt họ thật thảm thương và tội nghiệp. Thế mà chị chẳng mảy may động lòng, chuyển tâm đổi ý. Chị chỉ nhìn trân trân vào bức tường, đôi mắt vô hồn ngây dại, lẩm bẩm câu gì đó nghe mang máng...hết rồi... Tôi hỏi chị còn yêu anh không? Sao mà không cho anh một cơ hội,...hỏi như thế , chứ tôi thừa biết chị vẫn còn yêu anh.... Yêu anh đến cháy lòng nên chị mới đau đớn như thế.
Rồi thời gian trôi đi, bây giờ tôi đã là một anh phóng viên đi viết bài ở bãi biển Nha Trang trong một buổi chiều cuối năm, vô tình thế nào trong bức hình chụp về biển có hình ảnh của chị Vinh ở trong đó. Thật ngạc nhiên và tình cờ, bởi mái tóc che ngang mặt , đăm đắm nhìn ra phía biển xa thì quả đối với tôi không thể lạc đi đâu được. Nếu hôm ấy tôi không có mặt ở bãi biển Nha Trang thì chắc tôi đã lạc mất chị rồi.
Do tò mò nghề nghiệp, tôi đã điều tra nơi chị đang sinh sống.
Tôi đã tìm gặp anh xe thồ, chị bán hàng rong, cô tiếp tân ở các khách sạn trong cái thành phố biển đầy nắng và gió này, cuối cùng tôi đã tìm ra địa chỉ của chị.
***
Một buổi chiều mùa đông lạnh giá, theo địa chỉ tôi đã tìm đến xóm Cây Tràm, xã Vĩnh Thạnh Đông.
Phải đi tới hơn ba chục cây số bằng đường sông tôi mới tới được xóm Cây Tràm. Tôi đứng lặng người nhìn cái xóm nhỏ hiu hắt bên bờ kênh, quá ư nghèo nàn. Những mái nhà lợp lá dừa rách nát, thấp lè tè nằm rải rác hai bên bờ kênh.
- Bác ơi! Cho cháu hỏi thăm ở xóm này có cô nào tên là Vinh không ạ? Tôi hỏi khi gặp được một bà cụ chừng ngoài sáu mươi tuổi.
Bà cụ như sững lại:
Anh hỏi...Vinh...Vinh ...nào?
Tôi hơi lúng túng. Ngoài cái tên Trần Thị Vinh ra tôi không có thông tin gì thêm.
- Dạ ...Vinh...Trần Thị Vinh...đã từng sống ở khu tập thể cuả cơ quan Sở Nội Vụ trên thành phố ạ!
Bà cụ giật nảy người lên run run, rồi như co rúm người lại.
-Vinh! Có phải cái Vinh con dâu tôi...? Nó theo chồng về đây đã được hơn mười năm rồi. Thế anh là...
Mặt bà lão chợt sa sầm lại làm tôi hơi hoảng. Một hồi lâu sau bà lão mới trấn tĩnh, mời tôi vào nhà.
Bà lão lập cập pha nước. Tay bà run run rót nước trà tràn cả ra miệng chén.
Bà lão nhìn tôi trân trối như dò xét. Một lát, bà đứng dậy bên cái ban thờ nhỏ ở giữa phòng khách, giở tấm vải đỏ che khung hình trên bàn thờ, rút mấy nén nhang định thắp... Lúc này tôi mới nhìn lên bàn thờ, thấy tấm ảnh của một người phụ chừng ngoài bốn mươi tuổi. Gương mặt đẹp nhưng toát ra một vẻ buồn u uẩn.Tôi không còn tin vào mắt mình nữa,miệng bật lên thành tiếng...chị...Vinh...Vinh...
Nó đấy! Tôi hỏi khi không phải. Thế anh là ai...
Tôi không dám nói năng gì. Chờ cho bà lão ra ngồi ngoài hiên, tôi bần thần tiến lại gần bàn thờ, thắp ba nén nhang, cúi đầu kính cẩn vái chị.
À ra thế,...chị đã tha thứ cho anh, những trong lòng chị không được thanh thản...chị sống lầm lũi trong cái xóm nhà lá này, ru mình vào trong cõi váng lặng.
Chia tay cái xóm nhỏ, chia tay chị,...tôi xin bà cụ một bức hình của chị rồi ra về. Mỗi lần nhìn vào bờ vai, khuôn ngực chị, tôi đau nỗi đau khó gọi tên. . Chị đã ra đi về bên kia thế giới, nhưng để lại trong lòng tôi cũng như mọi người một bài học về tình người chan chứa.Thi thoảng trong vô thức, tôi lại nhớ chị đến quặn lòng.Cảm giác ấm áp và thơm tho như mùi lúa chín, và êm như nhung mềm như khăn bông, cứ bồng bềnh ... bồng bềnh...