Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Mênh mông rừng khộp

Mênh mông rừng khộp
tản văn của Mai Khoa Thâu
Tặng các chiến sĩ  bộ đội biên phòng đồn Bô Heng Đak Lak.

Chiều xuân. Dọc con đường vành đai biên giới Tây Nam vàng rộm màu lá cây của rừng khộp, rực lên như thiêu đốt con đường đầy bụi đỏ uốn quanh đồn biên phòng Bo Heng, cho ta một cảm giác ấm áp và bình an, và gió cứ xột xoạt dưới tán rừng khộp tạo nên một bản nhạc du dương.
Con đường dẫn vào đồn biên phòng Bo Heng hun hút, trải dài phía trước như thể nó sẽ đi bất kể tới nơi đâu mà con người cần đến nó. Khi  những trận gió lốc có nguy cơ chạy xồng xộc vào khu dân cư và đe dọa mạng sống con người, rừng khộp vươn cánh tay mạnh mẽ, vạm vỡ ra che chở cho con người.
Nhìn từ xa, con đường vành đai ngoằn ngoèo như một con rắn khổng lồ quấn chặt lấy rừng khộp.  Nó mang trên mình những bước chân vội vã đi về phía con suối Đak Đam nơi có cột mốc  phân định chủ quyền của nước ta. Nó mang trên mình sức nặng  những bước chân vững trãi của các chiến sĩ bộ đội biên phòng  tuần tra biên giới, của những kí ức và của tình hữu nghị với nước bạn láng giềng Cam Pu Chia .
Rừng khộp thu vào lòng mình những cơn gió mát, những nhánh lan rừng ngan ngát tỏa hương, những tiếng  gà rừng đong đưa trong buổi sớm mai, những tiếng chim ca ríu rít gọi bạn khi chiều về. Sức sống của rừng khộp, không chỉ là sự chịu đựng nắng mưa mà còn là sức mạnh nội tại bản thân nó thật kiên cường. Mùa khô khi trút bỏ bộ áo lá xuống, rừng khộp chỉ còn trơ trọi những cành, dẫu có gặp những những trận lửa thiêu đốt làm xém thân cây, nhưng chỉ cần một trận mưa thôi là rừng khộp bừng lên một sức sống mãnh liệt. Những trồi non tua tủa mọc lên xanh ngát. Rừng xanh vững bền bởi cây và cỏ, và cũng đáng yêu hơn hết cũng là một màu xanh bạt ngàn của rừng.
Nếu có dịp đi trên con đường vành đai biên giới vào đồn biên phòng Bo Heng trong một ngày đầu xuân, ta sẽ nhận ra điều kì diệu từ rừng khộp. Khi ánh mặt trời chuẩn bị hắt lên những tia nắng cuối cùng  trên bầu trời đỏ lịm, thì rừng khộp vẫn hiên ngang chĩa thẳng lên trời. Cả một khu rừng khộp mênh mông như một điểm tựa vững chắc nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Nó tìm một thế đứng vững vàng khi ánh mặt trời tắt hẳn . Khi những cây khộp nương vào nhau, nó đan chen và quyện vào vào nhau-trong bản tình ca bất tử về sức sống mãnh liệt và sự kì diệu của giống loài. Đặc biệt, mỗi độ mùa xuân về, lá khộp vàng óng ánh lấp loáng trong nắng vàng, mỗi khi có gió, bản tình ca muôn thuở ấy được tấu lên, với sự ngân rung của đất trời, vũ trụ. Lẽ tất nhiên, con người mới chỉ cảm nhận được một phần "qua bàn tay vẫy gió của nó" mà thôi! Những cây khộp đứng hiên ngang nơi vùng biên cương, những cành lá vàng óng phất phơ như làm nền cho bức tranh lãng mạn và tình tứ của khu rừng nơi vành đai biên giới. Dù có gió mưa, hay nắng cháy đi nữa, nó vẫn lan về bốn phía với một sức mạnh khi thường.
Tôi biết loài cây khộp luôn minh chứng cho sự bất tử của mình đằng sau khát cháy, bão giông. Như con người khẳng định đằng sau đau khổ và bất hạnh của chính mình vậy. Cho dù, đã có những vệt cháy lan xa...Đã có những cơn mưa xoáy đi sự sống của nó. Nhưng thật kì lạ. Chỉ cần đến mùa xuân, những cây khộp bảo nhau bật dậy, đâm chồi nẩy lộc, như chưa hề gặp tai ương bao giờ vậy! Từng vạt rừng khộp vươn những búp non xinh xắn nhô ra và lan xa, xanh mướt. Và ta hiểu, sự linh nghiệm và giấc mơ lãng mạn của rừng khộp mãi mãi là có thật, dẫu con người  có muốn tin hay không...
Những cánh  rừng  dọc vùng biên giới muôn đời vẫn tươi tốt, nhất là rừng khộp. Từng đám rừng khộp cứ nhằm nỗi nhớ mà thêu dệt những bức tranh mộng mơ của các cô thôn nữ, của các chàng lính trẻ. Không ít giấc mơ hồng đã được rừng khộp găm thành kỉ niệm. Trong bức tranh cổ tích  thời chiến, cũng như thời bình của các chàng lính trẻ được dệt bởi cây khộp, có nhiều mối tình lãng mạn và quấn quýt bởi những nguyên cớ đáng yêu như vậy.
Chợt nhớ câu chuyện thời chiến tranh chống Mĩ cứu nước có đôi trai gái yêu nhau say đắm. Khi chia tay để người yêu lên đường đi B, cô gái đã gói chùm hoa bưởi gửi cho người yêu để thổ lộ tình yêu đắm đuối của mình, trên đường ra trận chàng trai đã coi đó là một báu vật mãi mang theo bên mình trên đường hành quân. Do lập được nhiều chiến công chàng lính trẻ được tuyên dương và được thưởng 5 ngày phép, trên đường về không có gì làm quà tặng người yêu, lúc bấy giờ là mùa xuân nên những cây phong lan rừng chưa trổ bông, chàng lính đã lấy lá của cây khộp kết thành hình trái tim nhờ sắc vàng bộc lộ nỗi nhớ bao la...để chuyển thông điệp tình yêu của mình đến cô gái ở hậu phương.
Vâng. Tình yêu là vậy. Tưởng như mong manh, giản đơn, nhưng hóa bền chắc và  sắc lắm. Nếu chạm vào biểu tượng này, con người sẽ giật mình bởi biểu tượng trong tâm thức- đó là chạm vào nỗi nhớ, vô hình mà nói đau. Nó nhắc người trong cuộc đừng quên.
Không ít kỉ niệm tình yêu đầu đời của những người lính trẻ biên phòng đã gắn bó keo sơn bởi vị ngọt ngào của rừng khộp, bởi sự độc đáo của rừng khộp, bởi sự mơ màng của lá khộp, bởi sự mộc mạc và gần gũi của rừng khộp...
Tôi rảo bước trên con đường vàng đai biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Phía trước, ngút ngát tầm mắt, những cây khộp vẫn lan xa, nối vệt xanh  đến tận cuối đường chân trời. Cây khộp mùa này cằn cỗi bởi nắng cháy. Những dấu vết rừng khộp úa vàng bởi hơi nóng phả ra từ những tia nắng chói chang rừng rực kia. Nhưng chỉ cần qua một đêm thôi, tất cả như đổi khác. Cây khộp rùng mình đứng dậy. Nó vươn ra những  bàn tay -búp lá xanh non, để hồi sinh trở lại, sau những cơn nắng nóng bất thường của đất trời. Dáng đứng hiên ngang, kiên cường bám chặt vào mảnh đất thiêng liêng nơi địa đầu cuả  Tổ quốc, như những người lính biên phòng không quản ngại mưa nắng, vẫn đêm ngày cầm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên cương của Tổ Quốc.
Những cây khộp vùng biên cương...
Nỗi nhớ và sự mộng mơ vô tận của tình yêu và đất trời...

Đầu xuân ẤT MÙI 2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét