Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

KẾT NỐI YÊU THƯƠNG

Về lại chốn xưa
Krông Păc- tên cái buôn nhỏ thân thương cứ da diết theo anh trên những bước đường hành quân trong suốt những năm tháng đánh Mĩ. Lúc nào anh cũng mong có ngày được trở về cái buôn nhỏ bên dòng sông Krông Păc yêu thương.
ChIẾN TRANH. Một trò chơi nguy hiểm của con người. Chính vì lẽ đó đã khiến anh lưu lạc nơi đất khách quê người. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa trên quê hương anh đã hơn bốn mươi năm rồi. Bốn mươi năm là một khoảng thời gian quá dài so với một đời người. Kí ức về tuổi thơ nơi buôn Krông Păc yêu dấu luôn là động lực để anh vượt qua bao sóng gió cuộc đời. Nhưng tại sao đến bây giờ anh mới trở về buôn cũ? Đó là một lời thắc mắc, là câu hỏi, hãy cũng là nỗi đau mà bấy lâu nay anh vẫn phải gồng mình gánh chịu. Sự thật bao giờ cũng nghiệt ngã, bao giờ cũng thách đố lòng kiên nhẫn của con người. Bốn mươi năm qua anh có cười được đau khi đau đáu một lối về còn mờ xa hun hút...Cho dù đã đi qua cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây là một nhiệm vụ vinh quang và cũng là một việc làm bình thường của bất cứ anh trai làng nào của đất nước Việt Nam khi đất nước có tranh. Mà chính anh là người đã đi qua, là nhân chứng sống. Bốn mươi năm lưu lạc trên đất người anh nào có giây phút được bình yên. Cõi lòng anh đang rỉ máu , đang cào buốt, cào buốt đến khôn cùng.Ở tận cùng của nỗi đau khi cuộc chiến tranh đã đi qua.
Bây giờ anh đã trở về đây, trên con đường này, trên đôi nạng gỗ, lê từng bước, từng bước chân nặng nhọc đu người lên con dốc Chư Quynh tìm cây Kơ nia ngày xưa bây giờ chỉ còn trơ lại gốc. Bọn trẻ con trong buôn thấy người đàn ông lạ, da sạm đen, trên khuôn mặt chi chít những vết sẹo dọc ngang, lưng đeo ba lô con cóc đã sờn, tập tễnh leo lên con dốc một cách nặng nhọc thì chúng thấy lạ và tò mò chạy theo sau. Bọn trẻ con không biết anh là người con của cái buôn này. Chúng chỉ nghe loáng thoáng người già kể lại, trước đây ở buôn Krông Păc có một chàng trai khỏe mạnh vật ngã cả trâu rừng, đánh chết hổ dữ trong rừng già. Anh hỏi chúng, buôn Krông Păc bây giờ ở đâu? Chúng ngơ ngác nhìn nhau, rồi tất cả đều lắc đầu, chỉ tay và nói: ở đây chỉ có buôn Cam Rưng dưới chân núi Chư Quynh kia chứ không có buôn Krông Păc.
Anh lại đu mình trên đôi nạng gỗ nhấc từng bước chân lên dốc Suối Khỉ, vai áo ướt đẫm mồ hôi.
Trên mảnh đất mà người Êđê đến lập buôn tên Krông Păc giờ đã trở thành con đập Krông Puk Hạ lớn nhất khu vực miền trung và Tây Nguyên mênh mông sóng nước. Những dòng kênh dẫn nước từ đập Krông Puk Hạ vươn xa tưới tiêu cho cả một vùng đồi núi rộng lớn ở Tây Nguyên. Những đồi cà phê, cao su, hồ tiêu xanh mát vươn xa, đan chen vào nhau, cọ xát vào nhau phát ra âm thanh kẽo kẹt như tiếng đưa võng của các A Mí từ các buôn làng xa vọng lại. Người trong buôn Krông Păc đã xuống núi định canh , định cư theo chủ trương của Đảng và Chính phủ từ cái ngày anh đang còn nằm hầm ở chiến trường Hạ Lào.
Đang vẩn vơ bên gốc cây Kơ nia già cụt ngọn, dấu tích của buôn xưa còn sót lại, bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ yêu dấu chợt ùa về. Bất chợt có tiếng gọi từ đằng sau khiến anh giật mình.
Y Khoa ...có nhận ra em không? Nhìn mãi một lúc sau, cố lục tìm trong trí nhớ mà anh vẫn chưa thể nhớ ra tên cô gái. Cô gái che miệng, cúi mặt cười e thẹn.
- Cái bụng em giận rồi đó! Dù đã qua hơn bốn mươi mùa hoa dã quỳ nở rồi, giờ em vẫn còn nhận ra anh. Còn anh thì...
- Em là H' Mai cô bé mồ côi cha, đi chăn bò thuê, hồi còn nhỏ hay chăn bò ở suối Ea Uy , thường được anh che chở mỗi khi bị bọn con trai ở buôn Pan bắt nạt đó mà! Đôi mắt H' Mai bây giờ đen tròn long lanh như mắt con chim Phí, đôi gò má ửng hồng, đôi môi đỏ như cánh hoa Ban , và cái cổ cao, trắng ngần như con chim Công thế kia thì ai còn nhận ra được một H' Mai nhếch nhác, đen đúa thuở nào.
Anh gục đầu, úp mặt vào gốc cây Kơ nia khi nghe kể về A Mí nhớ thương anh mà héo hon dần như tàu lá chuối rừng, rồi về với Yàng khi nghe tin anh đã chết vì bom đạn giặc ở Cánh Đồng Chum bên tận nước Lào xa lắc. Vợ anh cũng bỏ buôn Krông Păc đi lấy chồng ở buôn xa.
H' Mai đỡ anh đứng dậy, gỡ ba lô sau lưng, lấy khăn lau nước mắt rồi dìu anh xuống dốc đi về buôn mới.
Bóng hai người in vào chân núi Chư Quynh mờ mờ ảo ảo. Dưới làn khói sương chiều lảng bảng, hai người nương tựa vào nhau xuống núi đi về buôn mới Cam Rưng. Từng cơn gió rung rung cành lá như cũng reo mừng. Aỏ ảnh của bình minh đang hiện ra mơ hồ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét